Bỏ sổ hộ khẩu, thay bằng số định danh cá nhân: Phù hợp với xu thế phát triển

ANTD.VN - Bộ Công an hiện đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Cư trú sửa đổi, trong đó có nội dung được nhân dân rất quan tâm đó là phương án bỏ hình thức quản lý thường trú, tạm trú bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy mà thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là phương án rất phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ hiện nay.

Việc quản lý sổ hộ khẩu bằng phương pháp thủ công như hiện nay đang bộc lộ những hạn chế nhất định

Sứ mệnh lịch sử của sổ hộ khẩu

Ngày 27-6-1964, Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu kèm Nghị định 104/CP, là văn bản chính thức đánh dấu sự ra đời của sổ hộ khẩu. Hơn 50 qua, việc quản lý bằng sổ hộ khẩu đối với cá nhân, hộ gia đình đã hạn chế quá trình di dân tự phát, gây áp lực tăng dân số cho các đô thị vốn đang quá tải về dân số, hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Nhưng nếu là những người xuất thân ngoại tỉnh thì ai cũng đều thấm thía những giá trị của cuốn sổ hộ khẩu đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Suốt những năm đầu giải phóng miền Bắc, sau này là giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, thậm chí là kéo dài đến tận thời điểm hiện tại, sổ hộ khẩu là thủ tục hành chính duy nhất can dự vào đời sống kinh tế của mọi người dân hay nói đúng hơn là gắn bó mật thiết với quyền dân sự. Không có sổ hộ khẩu, không thể đứng tên sở hữu những tài sản như nhà cửa, đất đai, thậm chí là sở hữu chiếc xe gắn máy, phương tiện giao thông đi lại của công dân khi đến tuổi trưởng thành theo quy định của pháp luật. Ở thời điểm hiện tại, không có hộ khẩu sẽ không được cấp căn cước công dân, khó khăn trong quá trình xin học cho trẻ nhỏ và nhiều vấn đề khác...

Thiếu tá Hoàng Thị Thanh Hảo, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, CAQ Ba Đình cho rằng, cùng với sự thay đổi của xã hội, sổ hộ khẩu cũng lộ ra những hạn chế như người ở một nơi nhưng hộ khẩu lại ở nơi khác dẫn đến khó khăn cho công dân trong quá trình giao dịch, sinh hoạt, đồng thời khó khăn trong công tác quản lý. 

Công tác kiểm tra tạm trú tạm vắng của cảnh sát khu vực đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại các khu chung cư

Mã số định danh - sự lựa chọn phù hợp xu thế

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, hiện nay, 15 trường thông tin cơ bản về công dân đang được cơ quan công an tổ chức thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc sử dụng số định danh cá nhân vào quản lý dân cư sẽ là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử (hoặc phương tiện điện tử), mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành trên một thẻ (hoặc phương tiện điện tử). Thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành được cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư ngân sách Nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. 

Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, CATP Hà Nội cho biết, hiện nay, Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Luật Cư trú sửa đổi, trong đó có nội dung được nhân dân rất quan tâm đó là phương án bỏ hình thức quản lý thường trú, tạm trú bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy mà thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Đây là một phương án rất phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ hiện nay. Về bản chất, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn đảm bảo được chức năng của mình về cư trú đối với công dân, nhưng các thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đăng ký, quản lý cư trú. Từ đó hạn chế được tình trạng lạm dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong giải quyết các thủ tục hành chính, giải quyết các nhu cầu chính đáng của nhân dân mà nhiều cơ quan, tổ chức đang thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

“Từ đó sẽ tạo điều kiện cho việc triển khai hàng loạt giải pháp công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, cải thiện được môi trường hành chính công hiện nay, hướng tới mục tiêu “dịch vụ hành chính công”, khi đó mọi thủ tục hành chính sẽ được giải quyết nhanh chóng trên môi trường công nghệ thông tin, đáp ứng được mọi nhu cầu chính đáng, hợp pháp của công dân” - Đại úy Nguyễn Đăng Lâm nhận định. 

Thiếu tá Hoàng Thị Thanh Hảo cho rằng, nếu thống nhất được phương án cấp mã số định danh cho công dân từ khi chào đời nhập vào dữ liệu dân cư dùng chung, người dân sẽ thuận lợi hơn trong quá trình giải quyết thủ tục ở thì tương lai. Cùng với đó, những thay đổi về địa chỉ cư trú, nơi thường trú cũng sẽ được cập nhật để giúp lực lượng công an thuận lợi hơn trong công tác quản lý, nắm địa bàn, đặc biệt với những đối tượng hình sự để có biện pháp ngăn chặn. 

Đánh giá đúng phương án tối ưu về quản lý dân cư

Bộ Công an vừa đưa ra dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân. Trong đó, đặc biệt đưa ra 2 phương án: Giữ nguyên hình thức quản lý hộ khẩu như hiện nay hoặc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy để thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Theo dự thảo này, mỗi phương án đều có những ưu điểm hoặc nhược điểm. Đối với phương án giữ nguyên sổ hộ khẩu như hiện nay, sẽ giúp lực lượng công an quản lý chặt biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng, hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ của ngành Công an, qua đó góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Đồng thời sẽ giúp không phải sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về thủ tục hành chính có liên quan tới giấy tờ công dân, trong đó có quy định phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính. Theo đó, Nhà nước không phải bảo đảm kinh phí để sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này. 

Ngoài ra, để xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, trang bị phương tiện, đào tạo, huấn luyện cán bộ làm công tác quản lý căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… đòi hỏi phải đầu tư kinh phí rất lớn, trong khi đó điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn chế và phải ưu tiên đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong khi đó, ưu điểm của sử dụng số định danh cá nhân để quản lý dân cư thông qua việc cập nhật, kết nối từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ mang lại những lợi ích thiết thực trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả. 

Khi cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được hoàn thành, công dân không cần mang theo các loại giấy tờ nêu trên, không phải công chứng, chứng thực các loại giấy tờ này, mà chỉ mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục hành chính bảo đảm nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

Theo tính toán sơ bộ, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng/năm từ việc không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện thủ tục hành chính chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân như trước đây, tạo thuận lợi cho gần 90 triệu người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.

Cùng với đó, việc quản lý cư dân thông qua số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Theo đó, số định danh cá nhân được coi là chìa khóa để các cơ quan Nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực được giao quản lý. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội): Nên thực hiện thí điểm, có lộ trình và đảm bảo tính bảo mật
Bỏ sổ hộ khẩu, thay bằng số định danh cá nhân: Phù hợp với xu thế phát triển ảnh 3

“Có thể khẳng định rằng, trong cách mạng công nghiệp 4.0, việc bãi bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Bên cạnh đó, việc bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu là phù hợp với Hiến pháp 2013. Bởi Hiến pháp đã quy định tôn trọng tuyệt đối quyền tự do cư trú của mọi công dân. Người dân có quyền tự do cư trú ở bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam như họ mong muốn và phải đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước nơi mình cư trú. 

Thời gian qua, việc quản lý sổ hộ khẩu theo cách thủ công đã phát sinh nhiều phiền hà, bất cập nhất định trong quản lý dân cư. Nếu có mã số định danh, thủ tục hành chính đối với công dân sẽ thuận lợi hơn, giúp giảm bớt thời gian, công sức và tiền bạc, từ đó, người dân sẽ có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho công việc, cho đất nước, góp phần phát triển xã hội. Tuy vậy, khi chuyển sang mã số định danh, thời gian đầu sẽ có không ít người dân lo lắng quyền lợi liên quan đến sổ hộ khẩu bị ảnh hưởng như việc đăng ký học hành, khám chữa bệnh hoặc chứng minh nơi thường trú, tạm trú. Bên cạnh đó, một số cá nhân còn băn khoăn về tính bảo mật, an toàn của hệ thống dữ liệu khi thông tin cá nhân được điện tử hóa.

Để người dân thực sự yên tâm, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về những thuận lợi khi chuyển sang mã số định danh cá nhân để họ hiểu, từ đó tự giác thực hiện. Tuy vậy, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, việc bãi bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân không nên tiến hành đồng loạt ngay lập tức mà cần làm thí điểm tại một số địa phương sau đó mới nhân rộng, theo một lộ trình thích hợp. Bên cạnh đó, các đơn vị có thẩm quyền phải cam kết đảm bảo tính bảo mật thông tin cá nhân cho công dân và có phương án xử lý những bất cập có thể phát sinh”. 

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh (Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội): Ngành Công an đã tiên phong để phục vụ tốt nhất cho nhân dân

Bỏ sổ hộ khẩu, thay bằng số định danh cá nhân: Phù hợp với xu thế phát triển ảnh 4

“Về việc dự án Luật Cư trú (sửa đổi) có quy định bãi bỏ hình thức quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và được thay thế bởi hình thức quản lý bằng mã số định danh cá nhân, tôi hoàn toàn ủng hộ. Lúc này, chúng ta ai cũng nói về công nghệ 4.0, nhưng 4.0 là gì? Đó chính là quản lý trên cơ sở dữ liệu, là kết nối dữ liệu, kết nối thông tin. Hiểu đơn giản, tất cả những thủ tục hành chính mà hiện vẫn đang quản lý bằng sổ sách, giấy tờ, nếu được ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý trên cơ sở nhập dữ liệu, kết nối dữ liệu, tạo thuận lợi tối đa cho quản lý và người dân, đó chính là 4.0. Vậy thì tại sao chúng ta lại không ủng hộ, không triển khai việc quản lý dân cư trên cơ sở dữ liệu, trên mã số định danh để thay thế cho sổ hộ khẩu. Quản lý bằng mã số định danh cá nhân sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho người dân, bởi đi đâu, làm thủ tục gì, chúng ta chỉ cần nhớ mã số định danh của mình là cơ quan quản lý có thể tra cứu được đầy đủ thông tin, thay vì cứ phải mang theo khư khư bên mình một cuốn sổ hộ khẩu như hiện nay. 

Tất nhiên trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý bằng dữ liệu ở nước ta hiện còn chưa đồng bộ, nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi, song rõ ràng cơ quan Nhà nước phải nỗ lực để phục vụ tốt nhất cho nhân dân. Tôi hoan nghênh ngành Công an đã tiên phong, nhận phần khó về mình để đề xuất triển khai chủ trương này, tạo thuận lợi cho nhân dân”. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội): Cần thiết phải hoàn thiện, đưa vào khai thác, sử dụng

Bỏ sổ hộ khẩu, thay bằng số định danh cá nhân: Phù hợp với xu thế phát triển ảnh 5

“Việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân sẽ giúp cơ quan quản lý giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính và giúp người dân tiết kiệm chi phí. Đặc biệt là chúng ta đang hướng tới cách mạng công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư khiến cho việc kết nối thông tin giữa các ngành, lĩnh vực trong việc quản lý dân cư được thuận lợi hơn rất nhiều so với việc quản lý bằng phương thức thủ công. Tuy nhiên, để thực hiện quản lý dân cư thông qua mã số định danh cá nhân thì cần thiết phải hoàn thiện, đưa vào khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tất cả các thủ tục càng đơn giản càng tốt, thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, trong công tác quản lý thì lực lượng công an sẽ khó khăn, vất vả hơn. Thế nhưng, việc này đã được Bộ Công an xung phong thay đổi, sẵn sàng nhận phần khó về mình là điều rất tốt”.