Kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khóa XIV :

Bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu có nhiều kênh nắm thông tin

ANTĐ - Sáng nay (3-12), bên lề kỳ họp HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Diên - Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP Hà Nội đã có chia sẻ với báo chí  xung quanh việc nắm bắt thông tin để tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 15 chức danh do HĐND TP bầu hoặc phê chuẩn.

Ông Nguyễn Xuân Diên - Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP Hà Nội 

- Pv: Nhiều cử tri băn khoăn về trường hợp, những chức danh bị phiếu tín nhiệm thấp thì có điều chuyển công tác hay không, ông có ý kiến gì?

Ông Nguyễn Xuân Diên: Quan điểm của cá nhân tôi, với những đồng chí khi đưa ra để lấy phiếu tín nhiệm mà tín nhiệm thấp thì cấp ủy Đảng và các đồng chí lãnh đạo cũng nên có suy nghĩ trong công tác điều hành bố trí cán bộ làm sao cho hợp lý.

Bởi vì bản thân những đồng chí có phiếu tín nhiệm thấp cũng tự thấy khó trong công tác chỉ đạo điều hành mà nếu kỳ này không vươn lên được nữa, số phiếu tín nhiệm không cải thiện hẳn so với kỳ trước thì cũng nên có điều chỉnh để phù hợp hơn.

Việc điều chỉnh là điều không chỉ cử tri, đại biểu cũng như các tầng lớp nhân dân Thủ đô rất quan tâm, mà làm được điều đó sẽ góp phần nâng cao uy tín, vị thế của lãnh đạo chính quyền các cấp. Đây cũng là việc làm giúp củng cố lòng tin đối với cử tri và nhân dân.

- Ông đánh giá như thế nào về thông tin đưa ra để lấy phiếu tín nhiệm đối với 15 chức danh, liệu đã đủ để các đại biểu tìm hiểu, đưa các quyết định đúng đắn?

Có thể nói thông tin về 15 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đã được Thành ủy chỉ đạo rất quyết liệt để làm sao thông tin trong quá trình thực thi nhiệm vụ của các chức danh này được đầy đủ.

Ngoài ra, những quy định chung đối với đảng viên, cấp ủy nói chung về vấn đề kê khai tài sản và một số chức danh mà phải kê khai tài sản theo quy định cũng phải làm rất chặt chẽ, bản thân các đại biểu cũng nắm được những thông tin đó.

Chính vì vậy, với cá nhân tôi cũng có những thông tin về 15 chức danh, kể cả trong quá trình hoạt động với những ưu điểm, khuyến điểm cũng như một số lĩnh vực khác. Ngoài ra có lẽ, các đại biểu cũng có nhiều kênh để nắm thông tin.

- Việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm lần này là lần thứ 2, theo ông cần có những điều chỉnh gì để thực sự ý nghĩa đối với công tác tổ chức cán bộ?

Hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như phát biểu của đại biểu Quốc hội trên nghị trường thì nói chung dư luận nhân dân nắm rất rõ và mong muốn việc bỏ phiếu chỉ có 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm. Tôi cho rằng, trong thời gian tới có lẽ sẽ có những sự thay đổi. 

- Theo ông, việc lấy phiếu tín nhiệm có cần mở rộng đối với các chức vụ quản lý ngành, lĩnh vực có nhiều vấn đề nóng?

Mong muốn của cử tri và nhân dân rất muốn những vị trí quản lý, đảm nhiệm những nhiệm vụ nhạy cảm liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đất đai... sẽ được lấy phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên, theo cá nhân tôi việc lấy phiếu tín nhiệm với các đối tượng nói trên sẽ phải nằm chung trong Luật cán bộ, công chức.

Bởi quyền hạn, nhiệm vụ của cán bộ công chức Nhà nước đều được quy định trong Luật như nhau mà có cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm mà cán bộ khác lại không được lấy phiếu tín nhiệm thì sẽ có vấn đề về sự công bằng trước pháp luật.

Vì vậy, đối với những chức danh cử tri, nhân dân mong muốn lấy phiếu tín nhiệm nhưng để thực thi lại phải xét trong cái chung.