Bộ Nông nghiệp đề nghị bỏ dự trữ quốc gia đối với thuốc trừ sâu bệnh

ANTD.VN - Bộ NN&PTNT cho biết, trong khoảng 10 năm trở lại đây, không có địa phương nào đề nghị Trung ương cấp thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia để phòng ngừa sâu, bệnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, theo quy định Bộ này được giao quản lý các nhóm mặt hàng: Hạt giống cây trồng; thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất khử khuẩn, khử trùng, xử lý nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản; thuốc phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Tổng giá trị hàng dự trữ quốc gia tồn kho đến 31/3/2020 đạt khoảng 430 tỷ đồng.

Những năm qua, công tác quản lý hàng dự trữ quốc gia của Bộ NN&PTNT đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và đã thực sự phát huy hiệu quả trên thực tiễn. Qua đó, góp phần hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch bệnh; khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định đời sống nông dân.

Bộ Nông nghiệp cho rằng, việc dự trữ quốc gia về thuốc bảo vệ thực vật đã không còn hiệu quả

Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia không được các địa phương đề nghị hỗ trợ bởi các lý do: Dịch hại cây trồng ít xuất hiện và bùng phát; một số địa phương có điều kiện đã chủ động kinh phí để xử lý khi dịch xảy ra.

Mặt khác, thuốc bảo vệ thực vật là hóa chất độc hại, thời gian sử dụng ngắn (từ 2-3 năm) nên phải thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch luân chuyển hàng dẫn tới phát sinh chi phí, tốn kém cho ngân sách Nhà nước.

Hiện nay, tồn kho dự trữ quốc gia thuốc bảo vệ thực vật gần 258 tấn, với giá trị là khoảng 42 tỷ đồng. Từ thực tiễn nêu trên, Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 1560/BNN-KH ngày 2/3/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi Danh mục hàng dự trữ quốc gia.

Sau khi nhận được ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn là Cục Bảo vệ thực vật nghiên cứu, tham mưu đề xuất đối với các ý kiến của Bộ Tài chính.

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, trong khoảng 10 năm gần đây, sinh vật gây hại cây trồng ít xuất hiện và bùng phát. Một số địa phương có công bố dịch nhưng cũng đã tự chủ ngân sách của địa phương hỗ trợ nông dân phòng chống dịch nên không đề nghị Trung ương cấp thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia.

Việc dự trữ bằng sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật cụ thể cũng hạn chế và không linh hoạt trong công tác chống dịch trong điều kiện sinh vật gây hại cây trồng có những diễn biến bất thường, trái với quy luật, phát sinh những sinh vật gây hại mới.

Mặt khác, thuốc bảo vệ thực vật là hóa chất độc hại, có thời gian sử dụng ngắn (2-3 năm) nên phải thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch luân chuyển hàng năm, việc này dẫn đến phát sinh chi phí và tốn kém cho ngân sách nhà nước. Do đó, việc dự trữ thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay không thực sự hiệu quả. Vì vậy, Bộ NN&PTNT tiếp tục đề nghị dừng dự trữ quốc gia thuốc bảo vệ thực vật.

Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc dừng dự trữ quốc gia thuốc bảo vệ thực vật.