Bộ nào "cầm trịch" giá thuốc?

ANTĐ - Viên thuốc bị "làm giá", giá thuốc thiếu công khai, minh bạch cũng như hàng loạt bất cập trong đấu thầu thuốc đang là những vấn đề nổi cộm khiến lãnh đạo ngành y tế đau đầu và người dân bức xúc. Bức xúc đến mức trong 10 - 15 năm qua, diễn đàn Quốc hội luôn nói về vấn đề giá thuốc. Có đại biểu từng ví giá thuốc là "máy bay trực thăng không có chỗ đỗ" nên phải có chế tài, cơ chế kiểm soát giá thuốc, nếu không "Bộ Y tế bảo Bộ Tài chính, Bộ Tài chính lại bảo Bộ Y tế", cuối cùng người dân vẫn chịu giá thuốc cao. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, việc chênh lệch giá thuốc giữa các bệnh viện, giữa bệnh viện và thị trường, giữa các địa phương là do giá thuốc bị đẩy đi lòng vòng, các hãng dược bắt tay với thầy thuốc kê đơn để hưởng hoa hồng... Cho đến nay, việc Bộ Y tế vừa quản lý về chuyên môn lại vừa quản lý giá là không phù hợp, giống như "vừa đá bóng vừa thổi còi". 

Kinh nghiệm quản lý từ nhiều quốc gia cho thấy quản lý điều hành giá thuốc thường không giao toàn bộ cho Bộ Y tế. Ví như Thái Lan, Bộ Y tế quy định cụ thể giá một số loại thuốc, vắcxin chống dịch, còn Bộ Thương mại tiếp nhận báo cáo giá kê khai của các doanh nghiệp và giám sát giá thuốc chữa bệnh lưu hành trên thị trường. Tại sao quản lý giá thuốc tại Việt Nam lại không làm minh bạch: Bộ Tài chính “cầm trịch” xây dựng các chính sách về mặt tài chính liên quan đến quản lý giá thuốc, làm đầu mối tổ chức hiệp thương giá. Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức xem xét giá thuốc kê khai, quy định danh mục thuốc hiếm, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc. Còn Bộ Công thương làm đầu mối kiểm soát các hành vi về cạnh tranh trong kinh doanh dược phẩm, lũng đoạn, độc quyền về giá. 

Khi ấy việc quản lý giá thuốc không chỉ tốt hơn, mà còn có thể giảm 15-20% chi phí thuốc trong bệnh viện. Trong khi  tiền thuốc mà Bảo hiểm y tế chi trả mỗi năm khoảng 30.000 tỷ cho các bệnh viện, nếu đấu thầu theo cơ chế pháp lý chặt chẽ thì sẽ giảm khoảng 20%, có nghĩa là một năm có thể tiết kiệm được 5.000 tỷ.

Nếu lựa chọn được những mặt hàng mà trong nước có thể sản xuất đảm bảo đạt tiêu chuẩn GMP có hiệu quả không kém nước ngoài thì sẽ còn giảm đáng kể chi phí sử dụng thuốc. Có những bệnh nhân nặng bắt buộc dùng biệt dược mạnh mới hiệu quả, song có tới 70% bệnh là ở mức độ bình thường. Tuy nhiên, cần giá tốt, nhưng chất lượng đảm bảo tránh sự lo ngại việc dùng thuốc giá rẻ sẽ giảm chất lượng điều trị, kéo dài thời gian điều trị. 

Trên thực tế, tất cả những thuốc đạt tiêu chuẩn GMP đều được coi là cùng mức chất lượng. Nhưng với một loại thuốc nhập, nhà sản xuất nước ngoài không thể bán giá như thuốc cùng loại của Việt Nam dù chất lượng tương đương. Như vậy, không thể nói thuốc rẻ là không tốt. 

Việc quản lý giá thuốc đang là bài toán cần các bộ, ngành chức năng tiếp tục tìm cho ra lời giải để người bệnh được dùng thuốc có chất lượng với giá cả hợp lý, nói cách khác là để mỗi viên thuốc không phải "cõng" thêm những “khoản chi phí khác” từ các “chiêu” đẩy giá thuốc lên cao.