Bộ luật tố tụng dân sự bảo vệ các quyền con người, quyền công dân

ANTĐ - Sáng 25-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao, đạt 88,66%. 

Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án nhân dân giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự tại Tòa án; thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài; thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, của cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật.

Kết quả biểu quyết thông qua Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi)

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết thi hành Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi)

Bộ luật Tố tụng Dân sự góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

Ngay sau khi biểu quyết, thông qua Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thi hành Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành đạt 89,07%.