Bộ Giao thông muốn lùi thời gian hoàn thành thu phí tự động không dừng?

ANTD.VN -Bộ GTVT đang đề xuất không quy định cứng về thời hạn hoàn thành thu phí tự động không dừng đối với các dự án BOT.

Bộ GTVT đang đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về thu phí tự động không dừng (thay thế Quyết định 07/2017), trong đó có đề xuất không quy định cứng về thời hạn hoàn thành thu phí tự động không dừng.

Trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng, Bộ GTVT đề xuất: Với các trạm thu phí đang hoạt động nhưng chưa lắp đặt thu phí tự động không dừng phải thực hiện thu phí chậm nhất là 1 năm kể từ thời điểm lựa chọn được đơn vị cung cấp dịch vụ.

Đề xuất này khác Quyết định 07, khi Thủ tướng đưa ra hạn cho thu phí tự động giai đoạn 1 phải xong trong năm 2018, giai đoạn 2 phải xong trong năm 2019. Sau đó, do chậm tiến độ, nên Bộ GTVT xin gia hạn tới hết năm 2020.

Bộ GTVT đề xuất, không chốt cứng thời gian phải vận hành thu phí tự động không dừng

Như vậy, sẽ không còn thời hạn cụ thể cho tất cả các trạm thu phí phải áp dụng thu phí tự động không dừng.

Thay vào đó, tiến độ thu phí tự động tại từng dự án sẽ phụ thuộc vào thời gian nhà đầu tư ký được hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động.

Với trạm thu phí mới, chỉ được thu phí khi đã triển khai thu phí tự động không dừng. Cơ quan Nhà nước có quyền dừng thu phí với trạm thu phí nào không áp dụng thu phí tự động.

Dự thảo cũng cho phép nhà đầu tư dự án đường bộ và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động thoả thuận về đơn vị quản lý trạm thu phí. Thay vì nhà đầu tư dự án bắt buộc phải chuyển giao quyền quản lý trạm thu phí cho đơn vị thu phí tự động quản lý như Quyết định 07.

Chủ xe có trách nhiệm nộp tiền vào tài khoản thu phí qua hình thức nộp tiền vào ví điện tử, hoặc hình thức khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Dự thảo cũng bổ sung quy định nộp phí điện tử theo tháng, quý.

Trường hợp chủ phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng mà tài khoản không có tiền để thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động ghi nợ trên tài khoản và thông báo cho chủ phương tiện.

Chủ phương tiện có trách nhiệm trả tiền phí nợ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thống báo. hết thời hạn trên, nếu chủ xe không trả nợ, đơn vị thu phí có quyền khởi kiện đòi nợ.

Cũng theo dự thảo này, sau khi triển khai thu phí tự động không dừng, các trạm thu phí vẫn duy trì tối thiểu mỗi chiều đường 1 làn thu phí hỗn hợp (cả thu phí tự động và thu phí thủ công), khi ô tô dán thẻ đạt tối thiểu 94%, và xe sử dụng dịch vụ tối thiểu đạt 95%.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ được tổ chức chiều 16/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT và các bộ, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành giai đoạn 2 việc thu phí sử dụng đường bộ bằng hình thức điện tử không dừng trên toàn quốc ngay trong năm 2020.

Thủ tướng cho rằng, cho đến nay, việc triển khai vẫn đang có nhiều vướng mắc, không bảo đảm theo lộ trình đề ra, vì vậy, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan cần rút kinh nghiệm sâu sắc.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội một cách toàn diện về việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng thời gian qua cũng như khẳng định quyết tâm và những giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Ngoài ra, Nghị định 100/2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, cũng bổ sung quy định: Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với người lái xe không đủ điều kiện để thu phí tự động đi vào làn thu phí tự động; tước bằng lái từ 1-3 tháng.

Nhìn nhận về “động thái” này của Bộ GTVT, nhiều chuyên gia và hiệp hội vận tải cho rằng, cần làm rõ việc Bộ GTVT đưa ra chủ ý "lùi” trong khi Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt.

Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 có tổng số 44 trạm BOT, bao gồm 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác.

Dự án này do Công ty VETC triển khai thực hiện. Đến nay đã lắp đặt, vận hành 40/44 trạm thu phí.

Còn 4 trạm trên các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý chưa thực hiện do vướng mắc về nguồn vốn đầu tư hệ thống thiết bị trại trạm

Giai đoạn 2 được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt vào tháng 3/2018. Dự án gồm 33 trạm BOT, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi và đã lựa chọn Liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và một số doanh nghiệp về công nghệ là nhà đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, hiện nay Liên danh Nhà đầu tư chưa thành lập được Doanh nghiệp dự án.