Bộ Giáo dục đề xuất thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt, Hà Nội vẫn tổ chức thi bình thường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chủ trì cuộc họp chiều 2-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ ngành, địa phương cho ý kiến về việc tổ chức kỳ thi PTTH sắp tới, bởi hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, nhất là lo ngại dịch Covid-19 phức tạp.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp trực tuyến chiều 2-8

Chiều nay, 2-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19.

Tại đầu cầu Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cùng dự họp.

Nhiều địa phương nóng vội giãn cách xã hội

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, trong giai đoạn 2 của dịch Covid-19 ở nước ta, sau khi có ca nhiễm đầu tiên ở Đà Nẵng ngày 24-7, dịch đang có nguy cơ lây nhiễm ở nhiều nơi, nhất là 2 trung tâm lớn của cả nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần kiên quyết khoanh vùng dập dịch và giãn cách xã hội ở khu vực có dịch trong cộng đồng. Mặt khác, tập trung phòng chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo không làm đứt gãy hoạt động kinh tế.

Theo Thủ tướng, không phải tất cả các khu vực ở nước ta đều phải giãn cách xã hội mà chỉ thực hiện ở các khu vực nhất định. Một số địa phương đã quá nóng vội giãn cách xã hội…

“Tôi hoan nghênh Hà Nội, TP. HCM đã dừng lại một số ngành nghề nhạy cảm, không cần thiết nhưng vẫn duy trì các ngành nghề khác hoạt động để đảm bảo hoạt động kinh tế được duy trì” - Thủ tướng nói và cho biết, TP. HCM lúc này chưa cần thiết phải giãn cách xã hội.

Một vấn đề rất quan trọng khác được Thủ tướng nêu ra là về kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. “Một số ý kiến cho rằng cần dừng hẳn thi thì có đúng không trong lúc chúng ta chỉ có mấy tỉnh giãn cách xã hội, chúng ta có tổ chức kỳ thi thành mấy lần hay không…” - Thủ tướng nói và đề nghị các đại biểu thảo luận dân chủ để Chính phủ ra quyết định.

Bộ GD&ĐT đề xuất thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt

Báo cáo tại cuộc họp về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chia làm 2 đợt. Trong đó, địa phương không nguy cơ cao thì tổ chức thi theo kế hoạch, còn lại các địa phương có nguy cơ cao (như Đà Nẵng, Quảng Nam) thì tổ chức thi vào đợt 2 sau đó.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội dự hội nghị trực tuyến từ điểm cầu UBND TP

Theo ông Nhạ, thực kiện kỳ thi theo 2 đợt kể trên để đảm bảo chất lượng và công bằng, minh bạch cho thí sinh. Tuy nhiên, ngay với thí sinh thuộc diện F1, F2 ở các địa phương không thuộc nhóm nguy cơ cao cũng sẽ vẫn được tổ chức thi cùng với đợt thi của Đà Nẵng, Quảng Nam.

“Bộ GD&ĐT cũng đã có chỉ đạo các trường xét vào đại học đảm bảo lợi ích tối đa cho các em, những thí sinh thi tốt nghiệp đợt sau vẫn được xét tuyển vào các trường đại học” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, về cơ bản công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã hoàn tất. Mục tiêu là tổ chức kỳ thi phải đảm bảo an toàn tuyệt đối không chỉ về chuyên môn mà còn cả về sức khỏe cho thí sinh, giáo viên và các lực lượng tham gia kỳ thi.

Bộ đã họp với các địa phương, hầu hết địa phương đồng ý với phương án thi chung. Tuy nhiên, Quảng Nam và Đà Nẵng đề nghị xin lùi kỳ thi, hoặc dừng thi và xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho thí sinh do dịch bệnh.  

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đồng tình với đề xuất của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về phương án thi tốt nghiệp THPT như trên. Riêng với Hà Nội, ông Chung cho biết, thành phố sẽ vẫn tổ chức thi bình thường nhưng kiểm soát chặt hơn, đo thân nhiệt thí sinh và thí sinh cũng được sát khuẩn tay trước khi vào phòng thi.

Tương tự, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cũng báo cáo xin phép Chính phủ về việc cho địa phương này tổ chức thi THPT bình thường theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT cũng như thành phố đã chuẩn bị.

Trong khi đó, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, thành phố vẫn đang chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT diễn ra từ ngày 5-8 song cũng băn khoăn với các thí sinh thuộc diện F1 tiếp xúc với ca bệnh.

“Theo quy định, các trường hợp F1 phải cách ly. Do vậy, tôi đề nghị có biện pháp cụ thể cho các thí sinh này. Theo chúng tôi nếu đến ngày thi, các em vẫn chưa hết 14 ngày cách ly thì nên được đặc cách tốt nghiệp” - ông Dương Anh Đức đề xuất.