Bịt ngay lỗ hổng "công ích"

ANTĐ - Sau thông tin 4 công ty Nhà nước thuộc khối công ích chi lương lãnh đạo tiền tỷ đang gây ngỡ ngàng và bất bình, dư luận đang nóng lên trước việc TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra quỹ tiền lương và phân phối lương của 53 doanh nghiệp công ích 100% vốn Nhà nước trên địa bàn đã phát hiện ra nhiều lỗ hổng thu chi. 

Doanh nghiệp công ích, theo định nghĩa, là doanh nghiệp Nhà nước cung ứng dịch vụ công cộng, do Nhà nước giao kế hoạch hoặc đặt hàng và theo giá, khung giá hoặc phí do Nhà nước quy định, hoạt động chủ yếu không vì mục tiêu lợi nhuận. Ngân sách do Nhà nước cấp cho các doanh nghiệp này, tức tiền thuế do dân đóng thay vì dành phục vụ mục tiêu công ích lại đã chảy vào túi riêng, làm giàu cho lãnh đạo doanh nghiệp.

Công ích mà như vậy chẳng những không ích lợi gì mà khác nào bòn mót của dân, “ngồi mát ăn bát vàng” trên lưng công nhân quần quật để làm giàu cho mình. Họ đã “bớt lương công nhân” khi chỉ ký hợp đồng thời vụ dưới 3 tháng cho hầu hết các lao động với mức lương rẻ mạt, mặc dù họ đủ tiêu chuẩn ký hợp đồng có thời hạn hoặc không thời hạn. Có những công nhân làm việc 20 năm rồi vẫn đều đặn ký những hợp đồng ngắn hạn như thế để né tránh những chế độ tiêu chuẩn như tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đáng phải chi đóng cho họ. Và còn rất nhiều phúc lợi khác. Những khoản tiền đó được gom lại và được gọi là “lãi doanh nghiệp” đem chia nhau. Bình quân mỗi lao động thời vụ chỉ được trả 4-5 triệu đồng/tháng, trong khi vị giám đốc lĩnh trên 200 triệu đồng mỗi tháng (2,6 tỷ đồng/năm). Sơ sơ cũng thấy vài chục công nhân làm việc cả tháng dưới cống rãnh hôi thối chưa bằng lương vị lãnh đạo ngồi trong phòng máy lạnh, dù đường vẫn ngập, cây đổ vẫn chết người, “lá phổi xanh” của đô thị ngày càng teo tóp đi.

Từ sự vụ này, dư luận có quyền đặt câu hỏi đối với hàng trăm doanh nghiệp công ích trên khắp cả nước, liệu còn bao nhiêu lãnh đạo doanh nghiệp công ích lương khủng như vậy? Còn bao nhiêu đơn vị có dấu hiệu sai phạm về quỹ lương và sử dụng quỹ lương, núp bóng Nhà nước để bóc lột người lao động, vi phạm pháp luật, làm giàu cho cá nhân? Có thể nói hành vi lách luật để tham nhũng công khai của một nhóm những người điều hành trong các đơn vị công ích Nhà nước là “chiêu“ khá phổ biến.

Nhưng đây cũng mới chỉ là vài “mánh” trong nhiều thủ đoạn để móc túi người lao động, móc túi Nhà nước. Những chiêu trò khác còn phải chờ kết quả làm việc của các ngành chức năng để làm rõ những hành vi trái pháp luật, đục khoét ngân sách ở nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác trong cả nước. Ví như có hay không chuyện xà xẻo dự án, có hay không việc vi phạm Luật Lao động, nhập nhằng trong đấu thầu, chia chác.

Trong bối cảnh thực hành tiết kiệm chi tiêu hiện nay, cũng cần phải xem lại cách chi ngân sách vô tội vạ gây lãng phí thất thoát. Nếu chi như vậy dù có thêm bao nhiêu loại thuế, loại phí nữa vẫn không lấp đầy được việc thâm thủng ngân sách. Nền kinh tế nước nhà đang vật lộn với khó khăn, đời sống người dân khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lương, cắt giảm nhân viên hay tệ hơn là giải thể thì mấy ông “công ích” chỉ tiêu tiền ngân sách lại có mức chi lương khủng với mức chênh lệch giữa công nhân lao động và lãnh đạo lên tới 41 lần. Cơ chế định mức, định ngạch duy tu hạ tầng giao thông lạc hậu cùng với “bầu sữa” ngân sách tăng mạnh góp phần giúp lãnh đạo các doanh nghiệp công ích nhận lương cao ngất ngưởng gây phản cảm xã hội và thể hiện sự thiếu công bằng. 

Thay vì phải quan tâm tới lợi ích cộng đồng, lãnh đạo các doanh nghiệp công ích lại “vơ vét cho đầy túi”, bóc lột nhân công, tước đi của người lao động quyền lợi chính đáng theo quy định… thì có thể phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội  “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “tham ô tài sản” được quy định tại Bộ luật Hình sự.