Biện pháp phòng ngừa TNLĐ cần được đặt lên hàng đầu

ANTĐ -Sáng 25-5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật thống kê sửa đổi, Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), Tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự án Luật ATVSLĐ...

Theo Báo cáo giải trình dự án Luật ATVSLĐ, đa số đại biểu tán thành với việc bổ sung hai chính sách mới trong chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) một số ý kiến đề nghị bổ sung chính sách bảo hiểm cho người bị mắc BNN khi đã chuyển công việc; quy định bảo hiểm TNLĐ-BNN linh hoạt theo ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ; bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi cho người lao động (NLĐ) khi giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động khác nhau và có tham gia đóng bảo hiểm TNLĐ-BNN thì khi bị TNLĐ-BNN được hưởng bảo hiểm TNLĐ-BNN; một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN đối với NLĐ làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động.

Vụ tai nạn lao động tại khu vực thi công đường sắt đô thị ở Hà Nội

Về mức đóng bảo hiểm TNLĐ-BNN linh hoạt theo ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, dự thảo đã quy định mức đóng tối đa 1% (thay cho mức đóng cố định 1% như trước đây), đồng thời bổ sung quy định NLĐ khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp khi phát hiện bị mắc BNN do liên quan đến các ngành, nghề, công việc đã làm thì được hưởng chính sách bảo hiểm bệnh nghề nghiệp.

Dự thảo đã bổ sung quy định về trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong việc báo cáo ngay với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện có TNLĐ chết người; nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong việc tổ chức huấn luyện, hướng dẫn người lao động các quy định và biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh lao động; bố trí bộ phận hoặc cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh lao động; bổ sung vào hành vi bị nghiêm cấm trong an toàn, vệ sinh lao động đối với hành vi phân biệt đối xử liên quan đến thực hiện nhiệm vụ an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở lao động hoặc hành vi yêu cầu người lao động phải làm việc khi phát hiện thấy các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của NLĐ.

Bên cạnh đó, Dự thảo đã chỉnh lý quy định về huấn luyện theo hướng tăng cường trách nhiệm và sự chủ động của người sử dụng lao động trong đào tạo, huấn luyện đảm bảo an toàn, vệ sinh cho NLĐ tại nơi làm việc để đảm bảo phù hợp với đặc điểm, quy mô và tính chất ngành nghề sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đề nghị bổ sung quy định Bộ Y tế xây dựng nội dung vệ sinh lao động trong huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. Để đảm bảo sự minh bạch, khách quan cho quá trình điều tra, giải quyết tai nạn, sự cố, Dự thảo cũng bổ sung thành phần Đoàn điều tra TNLĐ; thời hạn điều tra, trách nhiệm công bố thông tin về vụ TNLĐ, sự cố an toàn lao động nghiêm trọng; Quy định mức bồi thường, trợ cấp, hỗ trợ cho NLĐ bị TNLĐ là trên mức tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo Điều 90 Bộ luật lao động. Dự thảo cũng quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức công đoàn, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, Hội nông dân Việt Nam trong bảo đảm ATVSLĐ...

ĐB Trần Thanh Hải (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu

Trong phần thảo luận tại hội trường về dự án luật ATVSLĐ, ĐB Trần Thanh Hải (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, gần đây, số vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra ngày càng nhiều, do vậy, các biện pháp phòng ngừa  TNLĐ cần được đặt lên hàng đầu: Cần bổ sung nhiệm vụ đề nghị người lao động thực hiện đúng quy trình về ATLĐ, thực hiện trợ cấp cho NLĐ một khoản (không phân biệt lỗi thuộc về ai), đồng thời xử lý nghiêm minh đối với tổ chức cá nhân gây ra TNLĐ nghiêm trọng; Phải kiểm soát được BNN, bổ sung nghĩa vụ khám chữa bệnh định kỳ cho NLĐ...

ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) kiến nghị, cần quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức khám, chữa bệnh, điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm cho NLĐ làm nghề công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm. Bên cạnh đó, cần xem xét xây dựng quy định bồi thường tổn thất tinh thần cho NLĐ trong trường hợp TNLĐ xảy ra.

ĐB Bùi Thị An (TP. Hà Nội) phát biểu

ĐB Bùi Thị An (TP.Hà Nội) nêu quan điểm, về nội dung chăm sóc sức khỏe cho người bị TNNL và BNN: Việc xác định BNN không đơn giản, có những bệnh không biểu hiện ngay và rõ ràng nên cần quy định cụ thể để dễ áp dụng. Còn theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh (TP. Hà Nội), thời gian qua trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương khác xảy ra hàng loạt sự cố TNLĐ nghiêm trọng không liên quan đến người sử dụng lao động và NLĐ mà ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người đi đường. Do vậy, cần có quy định bảo đảm ATVSLĐ cho những người khác có liên quan bằng việc thêm cụm từ “những người khác” vào một số điều luật.