Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII:
Biện pháp mạnh cứu môi trường
(ANTĐ) - Ngày 31-5, Quốc hội nghe các báo cáo của Chính phủ và các Ủy ban của Quốc hội báo cáo về 3 dự án luật: Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Khoáng sản (sửa đổi). Đây là 3 dự án luật được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.
Lo tác động dây chuyền
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên, ô nhiễm môi trường trầm trọng đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Do đó, bên cạnh các giải pháp hành chính, cần có biện pháp kinh tế mạnh để cứu môi trường. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, nước ta hiện chưa có một sắc thuế riêng bảo vệ môi trường đối với những hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường.
Dự kiến, các đối tượng chịu thuế môi trường bao gồm xăng dầu, than, môi chất làm lạnh, túi nhựa xốp (túi nilon), thuốc bảo vệ thực vật. Người nộp thuế là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các loại hàng hóa kể trên. Dự thảo luật quy định Biểu khung thuế môi trường với mức thuế tuyệt đối tối thiểu và mức thuế tuyệt đối tối đa. Đơn cử, với xăng dầu thì mức tối đa trong khung quy định là 4.000 đồng/lít xăng; 2.000 đồng/lít dầu.
Thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, luật sẽ có tác động nhất định đến việc tăng giá một số hàng hóa. Cụ thể, biên độ khung thế đối với xăng dầu là rộng. Mức trần 4.000 đồng/lít là cao. Nếu áp dụng mức thuế suất đối với xăng dầu như dự thảo luật, ngay cả khi trừ phí xăng, dầu thì giá bán vẫn sẽ tăng, đồng thời dẫn đến tăng giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có sử dụng xăng, dầu. Vì vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ hơn về tác động của luật đến sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Từ đó có giải pháp xử lý hữu hiệu, đồng thời xác định lộ trình áp dụng phù hợp.
“Bỏ lọt” nhiềutác nhân gây ô nhiễm
Góp ý cho dự án luật, ĐB Phạm Khôi Nguyên (Hà Nội) đánh giá, sắc thuế mới sẽ điều chỉnh hành vi kinh doanh gian lận, gây ô nhiễm môi trường. Ông Phạm Khôi Nguyên nói: “Có những doanh nghiệp chuyên nhập phế liệu (thùng phuy) về tái chế thép. Thùng phuy này các nước họ cho không vì các chất thải dính trong thùng muốn xử lý phải bỏ chi phí gấp 10 lần giá trị cái vỏ thùng.
Trong khi đó, quặng sắt lại xuất bán vô tội vạ. Rõ là cái xấu nhập về, cái tốt bán đi. Chính vì thế, phải có thuế để điều chỉnh lại những kiểu kinh doanh gây ô nhiễm này”. ĐB Nguyễn Đình Quyền nhất trí: “Không chỉ đánh thuế, những nguyên vật liệu độc hại phải cấm nhập khẩu. Nếu không làm quyết liệt, nước ta sẽ biến thành bãi rác của thế giới”. Tuy vậy, ĐB Nguyễn Đình Quyền đề nghị, phải rà soát kỹ lại hệ thống phí, lệ phí để hạn chế tình trạng đánh thuế trùng phí. Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung danh mục hàng hóa chịu thuế bởi còn thiếu rất nhiều sản phẩm đang gây ô nhiễm nặng cho môi trường. ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đồng quan điểm: “Ngành công nghiệp giấy gây ô nhiễm khủng khiếp, ngành hóa chất, phân bón, nhuộm cũng không kém. Vì sao chưa thấy đưa vào danh sách chịu thuế?”.
Lo ngại sắc thuế mới tác động tới giá tiêu dùng, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đề nghị: “Phải xem xét thật sự kỹ lưỡng, bởi nếu áp thuế mới, giá xăng tăng mạnh sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, tiêu dùng”.
Chính Trung