Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải: "Giảm ùn tắc giao thông, không phải chỉ cấm xe máy là xong"

ANTD.VN - Chiều 8-6, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, để giảm ùn tắc giao thông, bên cạnh việc hạn chế xe cá nhân, Hà Nội cũng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về hạ tầng giao thông, vận tải công cộng…  
Chiều nay, 8-6, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, để giảm ùn tắc giao thông, bên cạnh việc hạn chế xe cá nhân, Hà Nội cũng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về hạ tầng giao thông, vận tải công cộng…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trả lời phỏng vấn báo chí tại Quốc hội

- Được biết tại kỳ họp của HĐND TP Hà Nội đầu tháng 7 tới đây, thành phố sẽ xem xét một số quyết sách quan trọng về giao thông, trong đó có hạn chế xe cá nhân, tiến tới dừng cho phép xe máy vào nội thành?

- Chúng ta chưa tính toán hết được tốc độ tăng vận tải sẽ thế nào. Những năm vừa qua, tốc độ gia tăng phương tiện đường bộ đều 16-18%, tăng cả ô tô và xe máy, trong đó ô tô cũng có rất nhiều vấn đề của ô tô chứ không chỉ giải quyết được xe máy là xong đâu. Dân số cũng gia tăng nhanh, mỗi năm thêm 200.000 người… Do đó, để giải quýêt vấn đề giao thông cần giải pháp đồng bộ, trong đó, các giải pháp về hạ tầng, vận tải công cộng phải được chú trọng để đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân.

Từ nay đến 2020, thành phố sẽ tăng 62 tuyến xe buýt. Hiện thành phố phải chấp nhận trợ giá  cho xe buýt 1.000 tỷ đồng/ năm, tới đây còn lên tới 2.000 tỷ đồng. Đầu tư tốn kém nhất là tàu điện ngầm và thành phố phải cân đối vốn làm thôi chứ không còn cách gì nữa.

Ngoài ra, mỗi người dân cũng phải đóng góp vào chính sách chung của thành phố để làm cho giao thông ngày càng tốt hơn. Đơn cử như về cây xanh hiện nay, khi làm thêm đường để tránh ùn tắc thì chắc chắn phải “động” đến cây xanh, nên cần tính toán thế nào để cân đối các hướng, người dân cần chia sẻ. Thành phố thì vẫn cố gắng làm thế nào để giữ cây xanh tối đa vì ai cũng mong muốn như vậy. 

-Ngoài đầu tư cho hạ tầng đường sá, các giải pháp được cho là căn cơ hơn cần triển khai là điều chuyển bớt, giãn dần dân cư ra ngoại thành… Hiện Hà Nội đang thực hiện các giải pháp này ra sao và lấy nguồn lực từ đâu?

Việc đó thành phố cũng đang đầu tư rất lớn, cũng kêu gọi đầu tư xã hội mạnh mẽ chứ nguồn vốn ngân sách không thể đáp ứng được. Tổng vốn ngân sách đầu tư cho thành phố năm nay chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng. Trong khi chỉ một tuyến đường, tôi lấy ví dụ một đoạn ngắn của đường vành đai 1 là đoạn Hoàng Cầu -  Voi Phục đã ngốn 7.300 tỷ đồng. Rồi thành phố còn hàng loạt dự án phải tính như các tuyến vành đai, xuyên tâm… đều cần vốn đầu tư, thế nên ngân sách 30.000 tỷ đồng/năm không ăn thua gì.

Ngay cả việc muốn giãn dân ra khỏi nội đô cũng cần rất nhiều tiền, phải mở rộng cơ sở hạ tầng thì mới kéo người ra được chứ không phải cứ hô hào là xong, chưa kể còn phải tuyên truyền, vận động, xây dựng thói quen thì người dân mới giãn ra ngoài chứ không ai tự nhiên muốn ra ngoại thành ở cả.  

Tôi đã từng nói rồi, ngân sách thành phố chỉ lo được 20% vốn đầu tư theo yêu cầu, còn lại 80% phải huy động từ xã hội, nghĩa là phải tạo môi trường, cơ chế, điều kiện hấp dẫn để nhà đầu tư quan tâm, quyết định đầu tư. 

-Vừa qua, Hà Nội đề xuất một số cơ chế đặc thù cho các dự án giao thông quan trọng của thành phố, vì sao cần cơ chế đặc thù như vậy, thưa Bí thư?

Mong muốn của lãnh đạo thành phố là muốn làm nhanh những dự án này vì sức ép thực tế đã rất lớn. Ví dụ như việc làm giao thông kết nối, toàn thành phố có rất nhiều điểm cần kết nối trên hệ thống, không chỉ ở những tuyến lớn, các đại lộ hay quốc lộ huyết mạch mà còn kết nối từ các khu đô thị lớn, các khu sản xuất tập trung… 

Nếu tổ chức hệ thống kết nối tốt, hiệu quả sẽ thay đổi nhiều nhưng khi triển khai, chỉ riêng về thủ tục cũng đã vướng nhiều, mà làm tắt thì lại không đúng luật.

Vì vậy, thành phố muốn có một cơ chế đặc thù để có thể thúc đẩy nhanh các dự án, giải quyết nhanh được những điểm nghẽn vì đây đều là những dự án gần như là… cấp cứu, nếu không giải quyết ngay thì không đáp ứng được những nhu cầu đang rất cấp bách, bức xúc của cuộc sống.

Xin cảm ơn Bí thư Thành ủy!