Bi hài chuyện sinh viên đi thuê nhà trọ

ANTĐ - Đến hẹn lại lên, thời điểm năm học mới đến, câu chuyện thuê  nhà trọ lại nóng hổi, các sinh viên lại đổ đi khắp nơi tìm phòng trọ, đây cũng là dịp để các chủ nhà trọ có cơ hội tăng giá phòng. Nhiều bạn sinh viên nói vui rằng: Bóng đá thì có mùa chuyển nhượng, còn với sinh viên thì bây giờ là mùa… thuê phòng trọ. Cả bên chủ nhà trọ, và bên cần thuê trọ đều có 1 cuộc chạy đua ngầm để đạt được mục đích của mình. Thế là nhiều chuyện bi hài đã xảy ra xung quanh “cái phòng trọ” khiến những người trong cuộc cười ra nước mắt.

Sinh viên nữ phải đẹp… mới được thuê nhà

Để tìm được một phòng ưng ý thuê trọ để sống và học tập tại Hà Nội hiện nay là một điều không hề đơn giản. Có phòng trọ giá rẻ nhưng điện nước, khu vệ sinh lại không tốt. Còn khu nhà tốt thì chắc chắn giá lại không hề rẻ, không phù hợp với đời sống sinh viên. Chị Nguyễn Thị Hằng, sinh viên năm thứ nhất Học viện Ngân hàng cho biết chị đã gặp một tình huống dở khóc dở cười. Chị Hằng tìm được thông tin cho thuê phòng trọ ở khu vực Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội ở trên mạng Internet. Thấy mức giá hợp lý, hình ảnh của phòng trọ cũng sạch sẽ nên khấp khởi mừng. Nhưng đọc kỹ mới thấy ở dòng dưới cùng của dòng tin rao vặt đó có ghi thêm: Chỉ cho sinh viên nữ xinh đẹp thuê. Tưởng chủ nhà chỉ đùa, hoặc có lý do nào khác, chị Hằng vẫn tìm đến địa chỉ trên để tìm thuê nhà. Khi đến nơi, chị Hằng nhận được câu trả lời của chủ nhà trọ: Em đã đọc thông tin cho thuê nhà chưa. Cứ thế mà làm em ạ! Hóa ra yêu cầu của chủ nhà là thật chứ chẳng phải đùa. Chị Hằng tâm sự: Mình cũng biết tâm lý của nhà chủ là muốn những sinh viên nữ thuê vì họ… lành hơn và dễ quản lý hơn. Và mình cũng nghĩ từ “xinh đẹp” trong tin rao vặt đó ám chỉ việc sạch sẽ ngăn nắp. Nhưng không ngờ việc tưởng đùa mà hóa thật. 

Còn với bạn Thành Nam, sinh viên trường Đại học Thủy Lợi, thì sau một thời gian tìm nhà trọ, cuối cùng Nam cũng tìm được một khu nhà trọ sạch sẽ, giá cả hợp lý, và nằm trong khu dân trí cao. Nhưng khi đến nơi, Nam lại nhận được cái lắc đầu của chủ nhà trọ vì lý do… không phải giới tính nữ. Khu nhà trọ đó chỉ cho nữ thuê. Nam đành lắc đầu ngao ngán đi về. 

Muôn vạn loại hình quảng cáo nhà trọ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cơ hội tìm nhà trọ cho sinh viên hiện nay không phải là thiếu, nhưng để tìm cho mình được một phòng trọ ưng ý là điều hoàn toàn không đơn giản. Hiện nay, hình thức quảng cáo cho thuê phòng trọ không chỉ có đặt biển cho thuê trước cửa nhà, đăng báo cho thuê trọ… các chủ nhà trọ còn đưa thông tin lên mạng internet qua những trang rao vặt, trang mạng xã hội. Chỉ cần dạo qua mạng xã hội facebook cũng có thể thấy những cái nick như Nhà trọ giá rẻ, Phòng trọ sinh viên… Những trang rao vặt thì nhiều không thể đếm xuể. Không dừng lại ở đó, các chủ nhà trọ còn hài hước phần quảng cáo của mình bằng những câu từ vui vẻ như: Cho thuê nhà trọ cho sinh viên, điện nước đầy đủ, có phòng tắm riêng, tha hồ nghịch ngợm với bạn trai/bạn gái. Hay như: Cho thuê phòng trọ cho sinh viên học kém. Nếu là sinh viên giỏi sẽ được giảm 30% tiền nhà. Sinh viên kém giữ nguyên giá. 

Trao đổi với chị Hoàng Thu Nguyệt, chủ dãy nhà trọ cho sinh viên ở khu vực đường Trần Khát Chân, chị cho biết: Hiện nay, những chủ nhà trọ không dùng tăng giá đột ngột, hoặc tăng giá không lý do với sinh viên. Các chủ nhà trọ đều muốn có tâm lý cho thuê lâu dài để kiếm một khoản kha khá. Chính vì vậy, các khu nhà trọ dành cho sinh viên cũng được nâng cấp và có đầy đủ tiện nghi. Qua khảo sát một số khu nhà trọ ở Hà Nội thì một số nơi cũng đã có truyền hình cáp đến từng phòng cho sinh viên thuê trọ, một số khu nhà trọ còn có mạng wifi, chứ không chỉ là mạng internet dây cáp đơn thuần như trước nữa. Và tất nhiên giá của những khu phòng trọ này sẽ cao hơn, rơi vào khoảng từ 2-4 triệu đồng/phòng/tháng. 

Đi thuê nhà trọ cũng bị lừa

Nguyễn Xuân Nam, trường Đại học Công đoàn, khóc dở mếu dở kể về kỷ niệm đầu đời của mình khi đi tìm nhà trọ những ngày đầu tiên nhập học. Nam cho biết mới ra khỏi bến xe, đã được rất nhiều các bác “xe ôm” đến hỏi han. Nam chọn một người trông tử tế, sạch sẽ nhất và ngỏ ý đang đi tìm phòng trọ. Người lái “xe ôm” đó hứa với Nam là việc đó rất đơn giản rồi đưa Nam đến những khu có nhiều phòng trọ. Và Nam sẽ phải trả phí giới thiệu nhà trọ cho người “xe ôm” đó là 500.000 đồng. Sau khi thuê được nhà, Nam còn phải trả 200.000 đồng cho người “xe ôm”, gọi là tiền hỗ trợ đi lại những ngày tìm nhà. Nhưng chưa ở được 1 tháng, chủ nhà trọ bất ngờ tăng giá gấp đôi, khiến Nam không chịu được giá thuê, nên đành phải khăn gói lên đường tiếp tục tìm chỗ thuê mới. Qua lời kể của Nam, thì rất nhiều bạn bè của Nam cũng mới lên Hà Nội đã trở thành “miếng mồi ngon” để các cánh xe ôm, “cò” nhà đất thịt… Nam cho biết, các anh chị ở khóa trên còn kể lại rằng nhiều trung tâm môi giới nhà đất, hay những người làm nghề “cò” còn liên kết với chủ nhà để lấy tiền hoa hồng, tiền nhà, rồi chỉ một vài ngày sau, sẽ có đủ mọi lý do để khiến các bạn sinh viên không chịu được và phải đi tìm nhà mới. 

Chị Hoàng Thu Trang, phòng Tuyển sinh, Trường Trung cấp Y Hà Nội cho biết: Chúng tôi cũng đã có những chương trình để hỗ trợ cho các bạn học sinh sinh viên thuê được nhà trọ hợp lý, ưng ý. Trước mỗi năm học mới, chúng tôi có liên hệ với những chủ nhà trọ để lấy thông tin phòng trọ, giá cả… Những thông tin này sẽ được công bố rộng rãi. Các bạn học sinh sinh viên khi có nhu cầu sẽ được cung cấp số điện thoại của chủ nhà trọ, và họ sẽ trực tiếp đi thuê. Theo kinh nghiệm của những sinh viên đã từng đi thuê nhà trọ thì các bạn sinh viên những năm đầu cần phải liên hệ với những sinh viên khóa trên, hoặc đội sinh viên tình nguyện của trường để được giới thiệu những địa chỉ đáng tin cậy thuê trọ. Hoặc các bạn có thể lên những trang rao vặt để tìm địa chỉ thuê trọ, nhưng phải tuyệt đối cảnh giác. Một kinh nghiệm nữa cho những người muốn thuê trọ là luôn phải ký hợp đồng với các điều khoản rõ ràng với các chủ nhà trọ.