Bị động trước rét
(ANTĐ) - Dự báo thời tiết của nhà đài mỗi tối làm “rét run” người xem: “Nhiệt độ trung bình từ 6 - 12 độ C; có nơi xuống tới 1-2 độ C...” Các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, bình luận liên tiếp: “Đợt rét đậm, rét hại dài nhất trong lịch sử; băng giá xuất hiện ở nhiều địa phương; hàng nghìn trâu, bò chết rét; hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng; các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ bị ảnh hưởng nặng nề; hàng loạt trường học phải tạm đóng cửa, người già, trẻ em nhập viện tăng liên tục vì rét; có người đã chết vì rét...”
Cứ như vậy, ngày ngày chúng ta điềm nhiên nhận những thông tin “chưa từng có” báo về để rồi xuýt xoa, mà không có bất cứ động thái nào hướng tới những đồng bào của mình trong cơn rét. Chúng ta chỉ xem qua mà chưa có hình dung đầy đủ về người nông dân òa khóc bên xác con trâu - niềm hy vọng của cả gia đình chết rét.
Trong chăn êm, đệm ấm, chúng ta cũng chưa nghĩ tới những em nhỏ áo sống mong manh, phải nghỉ học để co ro, rét buốt trong căn nhà thông thống gió nơi miền sơn cước. Chúng ta càng không nghĩ tới những người lang thang, cơ nhỡ chỉ có chiếc bao tải rách để chống rét nơi gầm cầu, xó chợ...
Tại sao chúng ta không ứng xử với nhau trong cơn rét như khi có một trận lụt lớn hay một cơn bão mạnh? Phải chăng, rét đậm, rét hại kéo dài hơn một tháng trời chưa được xem là một thiên tai? Lẽ nào, thịt da tím tái trong cơn rét ít đau khổ hơn trong mưa bão? Phải chăng, những thiệt hại về người, về tài sản của người dân chưa tới mức phải báo động?
Chúng ta đã có ủy ban Phòng, chống lụt bão Trung ương nhưng xem ra cơ quan này chỉ hoạt động đúng với tên gọi: ứng phó với lụt, bão, còn những thiên tai, khác thì... bỏ qua, rồi còn rất nhiều các cơ quan chức năng, Bộ, ngành khác đã ở đâu khi người dân đã tự vật lộn trong cơn rét “ghê gớm nhất trong lịch sử” kéo dài hơn 1 tháng?
Chúng ta đã quá bị động trước cơn giá rét được dự báo ngày 3-4 lượt! Tệ hại hơn, ở một góc độ nào đó, chúng ta đã vô tình bàng quan trước nỗi khốn khó của đồng loại trong cơn giá rét.
Đây rõ ràng là bài học sâu sắc cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc ứng phó với thiên tai. Khoan hãy nói tới trách nhiệm trong lúc này bởi điều quan trọng hơn cả là việc hỗ trợ người dân, đặc biệt là người nghèo, hộ khó khăn ở những vùng bị nạn để họ đủ sức vượt qua giá rét.
Tấm chăn ấm, chiếc áo dày hay chỉ vài cân gạo ủng hộ đồng bào trong cơn rét là việc cần làm lúc này. “Lá lành đùm lá rách” vốn là truyền thống, nghĩa cử cao đẹp của người dân Việt và không bao giờ là quá muộn khi chìa tay ra với những người gặp nạn.
Ngọc Khánh