Bếp than tổ ong - nguy cơ quay trở lại

ANTĐ - Trước tình trạng giá gas tăng cao, để tiết kiệm chi phí, nhiều gia đình đã chuyển sang sử dụng bếp than tổ ong. Việc loại bếp này hiện diện khắp nơi đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người…

Bếp than tổ ong được sử dụng phổ biến trong các gia đình

Lợi bất cập hại

Từ thời điểm giá gas tăng đột biến trong vòng một tháng nay, nhiều gia đình đã quay lại sử dụng bếp than tổ ong, bất chấp các nguy cơ do chất đốt độc hại này gây ra.

Dạo một vòng qua các tuyến phố, điều dễ nhận thấy là bếp than tổ ong hiện diện ở khắp nơi, dưới lòng đường, trên vỉa hè, dưới gốc cây, chân cột điện, thậm chí ngay trong nhà. Nhiều quán ăn, nhà hàng còn sử dụng 3-4 bếp than cùng lúc. Trong một số gia đình, bếp than tổ ong còn được đặt cạnh các vật liệu dễ cháy như hộp xốp hay những chiếc xe máy. Bạn Vũ Văn Hùng – sinh viên ĐH Quốc gia chia sẻ, trước đây, Hùng và 3 bạn cùng phòng sử dụng bếp gas nấu ăn chung. Nhưng từ khi gas tăng giá, hai bạn chuyển sang ăn cơm bụi, Hùng và cậu bạn còn lại quyết định mua bếp than tổ ong về dùng. Tuy sử dụng loại bếp này có nhiều tiện lợi như thời gian sử dụng dài, chi phí thấp nhưng do diện tích phòng trọ chật chội nên khói bụi từ bếp than tỏa ra khiến sức khỏe của Hùng và những người bạn cùng phòng đều bị ảnh hưởng. “Đun than, mỗi tháng em chỉ mất khoảng 100.000 đồng cho việc nấu nướng, đun nước tắm, rẻ chỉ bằng 1/2 so với dùng gas. Tuy vậy, để đảm bảo sức khỏe, thời gian tới chắc em phải tìm nhà trọ rộng rãi hơn” – Hùng cho biết.

Còn theo chị Đào Thị Thủy ở ngõ 97 phố Văn Cao, quận Ba Đình, hiện giá mỗi viên than là 3.000 đồng (giá bán lẻ là 3.200 đồng/viên). Giá than tổ ong sạch từ 4.000-4.200 đồng/viên. Bếp than tổ ong có giá 130.000-200.000 đồng/bếp. Như vậy, so với bếp từ, bếp gas, đầu tư ban đầu cho bếp than rất rẻ. “Tôi biết sử dụng bếp than tổ ong là độc hại, nguy hiểm nhưng do nhà đông người, phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ nên đành sử dụng bếp than tổ ong trong khi chờ gas giảm giá”, chị Thủy thở dài.

Điều đáng nói là tình trạng “nhà nhà sử dụng bếp than tổ ong” còn diễn ra tại các khu nhà cao tầng, khu tập thể cũ, khu tái định cư, làm tăng nguy cơ cháy nổ, đe dọa sức khỏe, tính mạng và tài sản của hàng trăm hộ gia đình. Tại những khu vực này, người dân tận dụng mọi  diện tích, ngóc ngách có thể để đặt bếp than tổ ong. 

Biện pháp tình thế

Về những nguy cơ khi sử dụng bếp than tổ ong, bác sỹ Vũ Minh Hiếu – Bệnh viện E cho biết, thời gian qua bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho khá nhiều bệnh nhân bị ngộ độc khí than tổ ong, trong đó có không ít trường hợp  phải sống đời sống thực vật suốt đời hoặc tử vong. Nguyên nhân do trong than có khí độc CO2. Khi đốt than, nhất là ở giai đoạn nhóm lò, ủ, than thải ra một lượng khí độc rất lớn. Người hít phải khí này sẽ có cảm giác tức ngực, mệt mỏi vì nồng độ oxy trong máu giảm, khói than còn là tác nhân gây nên bệnh ung thư phổi. Phụ nữ mang thai sẽ có nguy cơ bị sẩy thai, thai bị biến dạng rất cao nếu thường xuyên sống trong môi trường bị ô nhiễm bởi khói than. Đặc biệt, việc đốt than trong phòng kín có thể gây chết người.

Bên cạnh đó, hiện nay hầu hết người dân sử dụng bếp bông - bếp than tổ ong làm bằng bông chịu nhiệt được giới thiệu là “siêu nhẹ, siêu bền”. Bên ngoài lớp bông được trát qua một lớp vữa xi măng cứng mỏng. Khi đun nấu, lớp vữa trát bị bong ra, để lộ lớp bông thủy tinh. Nếu hít phải những sợi bông này,  người bệnh sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản…  

Còn theo Thượng tá Đỗ Văn Cường – Phó Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC Đống Đa – Sở Cảnh sát PC&CC Hà Nội, việc dùng bếp than thay cho bếp gas chỉ là giải pháp tình thế nhằm giảm chi phí sinh hoạt trước mắt, nên người dân cần hạn chế sử dụng loại bếp này để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và những người xung quanh. Đặc biệt, khi sử dụng bếp than, mỗi gia đình cần chú ý đến công tác phòng chống cháy nổ và thường xuyên để mắt tới trẻ nhỏ, đề phòng những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.