Bệnh viện công chuyển mình thành doanh nghiệp

ANTĐ - Nếu như trước đây, đa số bệnh viện công lựa chọn phương thức xã hội hóa bằng cách kêu gọi tư nhân liên doanh, liên kết thì hiện nay nhiều bệnh viện đã mạnh dạn dừng mô hình này để vay vốn ngân hàng tự đầu tư. Giải pháp này giúp người bệnh được hưởng lợi nhiều hơn, song ngược lại áp lực lên các bệnh viện cũng lớn hơn.

Bệnh viện công chuyển mình thành doanh nghiệp ảnh 1Bệnh viện Việt - Đức đầu tư phòng mổ hiện đại nhất Việt Nam nhờ nguồn vốn vay

Thay đổi diện mạo 

Bệnh viện Việt - Tiệp Hải Phòng là một trong những đơn vị y tế công lập tuyến tỉnh đầu tiên đã chấm dứt hẳn các gói hợp đồng liên doanh liên kết với tư nhân, đồng thời chủ động vay vốn ngân hàng để xây dựng, đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại.

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Tập, Giám đốc bệnh viện lý giải: “Tư nhân có thể bỏ vốn đầu tư, thu được lợi nhuận từ bệnh viện công thì tại sao bệnh viện công lại không thể tự làm được?”. Hiện tại, Bệnh viện Việt - Tiệp Hải Phòng đã vay vốn từ ngân hàng khoảng 100 tỷ đồng để đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ phát triển chuyên môn sâu, giúp bộ mặt bệnh viện thay đổi hoàn toàn và giảm hẳn lượng bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên như trước. 

Tính trên toàn quốc, đến nay có 9 bệnh viện công tuyến Trung ương gồm: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Chợ Rẫy... đã vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (BIDV) với số tiền khoảng 1.450 tỷ đồng để đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị. 

Nhờ vay vốn ngân hàng, đầu năm nay, Bệnh viện Việt - Đức đã khánh thành và đưa vào hoạt động tòa nhà kỹ thuật cao có tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng (vốn vay là 240 tỷ đồng), giúp bệnh viện có thêm khu chẩn đoán hình ảnh; khu xét nghiệm đồng bộ; 22 phòng mổ và 400 giường bệnh điều trị nội trú.

Cũng nhờ vay vốn ngân hàng, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã xây dựng được cơ sở mới ở xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) và vừa khánh thành thêm tòa nhà điều trị nội trú 9 tầng với các khoa phòng chuyên môn, trong đó vốn vay chiếm tới 63%... Theo Bộ Y tế, nếu chỉ trông chờ vào vốn ngân sách thì 3-4 năm nữa các bệnh viện này cũng không thể hoàn thành, đưa vào sử dụng được các công trình nói trên.

Người bệnh được hưởng lợi

Không thể phủ nhận phương thức xã hội hóa y tế, kêu gọi tư nhân cùng đầu tư, liên doanh liên kết với bệnh viện công suốt thời gian qua đã giúp nhiều bệnh viện mua sắm được trang thiết bị hiện đại, người bệnh được thụ hưởng nhiều dịch vụ chất lượng cao hơn. Tuy vậy, mặt trái của phương thức hợp tác này cũng ngày càng bộc lộ rõ nét, nhất là gánh nặng chi phí khám chữa bệnh có sử dụng dịch vụ xã hội hóa bị đẩy lên cao.

Ông Nguyễn Quang Tập, Giám đốc Bệnh viện Việt - Tiệp Hải Phòng phân tích, nếu bệnh viện có thể tự đầu tư thì lợi ích sẽ không bị phụ thuộc vào nhà đầu tư, sẽ chủ động được việc mua sắm trang thiết bị theo yêu cầu hoạt động của mình (nhà đầu tư thường chỉ xã hội hóa những dịch vụ lợi nhuận cao) và bản thân các bác sĩ cũng sẽ không còn bị áp lực lạm dụng kỹ thuật.

Thực tế, trong tổng số vốn vay ngân hàng, ngoài đầu tư vào các dịch vụ “dễ thu lợi nhuận” thì các bệnh viện công đều dành một phần để đầu tư một số trang thiết bị máy móc có thể rất ít khi sử dụng hoặc “sử dụng càng nhiều càng lỗ” nhưng cần thiết để phục vụ người bệnh, chấp nhận lấy nguồn khác để bù đắp vào nguồn đầu tư bị “thâm hụt” này.

Cụ thể như tại Bệnh viện Việt - Đức, dù tòa nhà kỹ thuật cao vừa khánh thành là công trình đi vay vốn đến 60% nhưng với mục tiêu đầu tư phục vụ mở rộng cho người bệnh nên bệnh viện vẫn sử dụng 2/3 số giường cho người bệnh nghèo, người bệnh bảo hiểm y tế, số giường còn lại sẽ điều trị theo yêu cầu để có nguồn thu trả ngân hàng. 

Tuy vậy, hiện đa phần các bệnh viện tuyến tỉnh trở xuống, thậm chí ngay các bệnh viện hạng 1 của Hà Nội cũng đang rất dè dặt với chủ trương này. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là mối lo và áp lực phải trả nợ ngân hàng, đồng nghĩa với trách nhiệm phải sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay và chấp nhận độ rủi ro lớn. Mặc khác, lãnh đạo nhiều bệnh viện cũng cho rằng, nếu muốn có nguồn trả ngân hàng đúng hạn thì bệnh viện đi vay vốn phải tính đầy đủ chi phí, do đó giá dịch vụ y tế sẽ cao. 

Theo PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, hiện mỗi năm bệnh viện dự kiến phải trả cả lãi và vốn ngân hàng là 40 tỷ đồng, khiến việc tự chủ về tài chính gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh viện phí vẫn chưa được tính đúng, tính đủ. Do vậy, muốn khuyến khích các bệnh viện dần chuyển mình thành… doanh nghiệp có thể tự chủ được tài chính, đồng thời đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người bệnh thì Bộ Y tế phải từng bước tháo gỡ những khó khăn này cũng như điều chỉnh giá viện phí theo đúng lộ trình.