Bệnh tăng huyết áp đang gia tăng nhanh
(ANTĐ) - Theo thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng 5 triệu người chết vì tăng huyết áp (THA) và các biến chứng tim mạch có nguy cơ từ THA. Đây là căn bệnh nguy hiểm, có xu hướng gia tăng rất nhanh nhưng chưa được quan tâm đúng mức trong cộng đồng.
Điều trị bệnh nhân tại Viện Tim mạch Quốc gia |
90% bị bệnh không rõ nguyên nhân
Tại Viện Tim mạch Quốc gia, lượng bệnh nhân đến khám các biến chứng tim mạch rất đông, trong đó có cả những người còn rất trẻ. Bệnh nhân Phạm Thu Hằng, mới 33 tuổi, ở Hoàng Mai (Hà Nội) vào khám do thời gian gần đây mỗi khi căng thẳng chị lại thấy xuất hiện cơn đau thắt ngực. Các bác sĩ chẩn đoán chị bị bệnh suy tim giai đoạn sớm, nguyên nhân do biến chứng của THA.
Kể với chúng tôi, chị Hằng vẫn chưa hết ngạc nhiên vì theo chị biết thì bệnh này thường xuất hiện ở người cao tuổi và thừa cân, trong khi chị vốn rất gầy, gia đình cũng không có người bị bệnh này… Theo các bác sĩ tại Viện Tim mạch Quốc gia, có khoảng 90% bệnh nhân THA là không rõ nguyên nhân - còn gọi là THA nguyên phát. Ngoài những người cao tuổi, người béo phì thì bệnh cũng xuất hiện ngày càng nhiều ở giới trẻ, chủ yếu do áp lực công việc và hút thuốc lá.
Điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Quốc gia tại 8 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ THA ở người từ 25 tuổi trở lên trong cộng đồng chiếm đến 27,4%. Tỷ lệ này vẫn đang có xu hướng tăng lên rất rõ rệt. GS.TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia cho biết, chỉ một số ít bệnh nhân THA có một vài triệu chứng cơ năng gợi ý cho họ đi khám bệnh như: đau đầu, chóng mặt, cảm giác ruồi bay, mặt đỏ bừng, ù tai…
Đa số các bệnh nhân thường không có dấu hiệu cảnh báo trước. Nhiều khi bệnh nhân chỉ phát hiện ra bệnh khi bệnh đã biến chứng nặng sang tim mạch hay xuất huyết não. Cũng vì vậy, phần lớn bệnh nhân bị THA không được kiểm soát sớm, nhập viện khi bệnh đã có biến chứng và nguy cơ tử vong cao.
Những biến chứng thường gặp nhất do THA là các bệnh lý về tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim. Có thể nói, THA là nguyên nhân quan trọng nhất trong số các nguyên nhân gây biến chứng tim mạch ở người trung, cao tuổi. Ngoài ra, THA cũng gây các biến chứng về mắt, não, thận, có thể khiến người bệnh bị tàn phế, tử vong. Đáng nói, THA là bệnh rất dễ phát hiện nhưng do người bệnh thường không phát hiện được mình bị bệnh từ bao giờ nên ít khi chủ động theo dõi. Hơn nữa, nhận thức của nhiều người dân về bệnh chưa đầy đủ và còn tâm lý chủ quan.
Kiểm soát cân nặng để phòng bệnh
Theo các bác sĩ, THA là bệnh lý rất phổ biến nên việc kiểm tra huyết áp thường xuyên (có thể đo huyết áp tại nhà) là rất quan trọng, nhất là những người có yếu tố nguy cơ về tim mạch. Cụ thể, đối tượng nguy cơ cao dễ bị THA gồm những người cao tuổi; những cán bộ, công chức văn phòng, những người luôn phải chịu những căng thẳng và áp lực trong công việc; người mắc nhiều bệnh lý đi kèm như béo phì, tiểu đường, rối loạn lipid máu… Trong số này, nguyên nhân do thừa cân, béo phì vẫn là yếu tố nguy cơ cao hơn cả.
GS.TS Nguyễn Lân Việt khuyến cáo, THA là bệnh hoàn toàn có thể phòng chống được, phụ thuộc vào hành động của chính mỗi người. Những đối tượng nguy cơ cao mắc THA cần phải điều chỉnh để có một lối sống hợp lý.
Nếu bệnh nhân bị thừa cân, béo phì thì phải chú ý giảm cân; không hút thuốc lá, thuốc lào; hạn chế uống rượu bia; tránh căng thẳng, lo âu; tập thể dục hàng ngày… Với những bệnh nhân đã xuất hiện biến chứng thì việc điều trị THA cần phải thực hiện một cách nghiêm túc và lâu dài. Đồng thời duy trì kiểm tra định kỳ các yếu tố nguy cơ khác (rối loạn đường máu, lipid máu…) để có thể kiểm soát kịp thời.
Hôm qua, 16-5, Ban Chỉ đạo chương trình Quốc gia phòng, chống Tăng huyết áp - Viện Tim mạch Việt Nam phối hợp với kênh truyền hình O2TV đã tổ chức chương trình hưởng ứng Ngày Phòng chống THA thế giới năm 2010.
Ngày Phòng chống THA thế giới 17-5 năm nay có chủ đề: “Kiểm soát cân nặng là góp phần kiểm soát huyết áp”. Qua đó, các chuyên gia khuyến cáo mạnh mẽ những người có nguy cơ cao, đặc biệt là những người thừa cân, béo phì cần chú ý kiểm soát cân nặng của mình, chú ý không ăn nhiều chất béo bão hòa, không ăn mặn (giảm muối trong khẩu phần ăn)… để phòng chống bệnh THA cho chính mình.
Duy Tiến