Bệnh sởi rải rác, khó bùng phát thành dịch lớn
* Hà Nội: Chỉ đạo các trường học giám sát chặt bệnh sởi
(ANTĐ) - Số liệu thống kê mới nhất từ TTYT dự phòng Hà Nội, tính từ tháng 10-2008 đến nay, Hà Nội đã có 322 người mắc sởi, phân tán rải rác tại 22/29 quận, huyện... Còn theo ghi nhận của chúng tôi tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, trong ngày 9-2, vẫn tiếp tục có một số bệnh nhân mắc sởi mới nhập viện. Lãnh đạo Viện này nhận định, số bệnh nhân sởi nhập viện sẽ còn tiếp tục rải rác và chưa dừng lại trong thời gian tới.
ThS Nguyễn Nhật Cảm - Trưởng phòng Dịch tễ, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, đối tượng mắc sởi Hà Nội đã được ghi nhận chiếm đến 54% là sinh viên, 3,9% là học sinh. Các bệnh nhân đã và đang được điều trị tích cực tại nhiều BV đóng trên địa bàn thành phố như: Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, BV Bạch Mai, Viện 103, BV Đống Đa, BV Y học cổ truyền Hà Nội…
Hiện dịch vẫn ở qui mô nhỏ, tản phát, nơi đông nhất là quận Đống Đa với 34 trường hợp. 88% số bệnh nhân có độ tuổi từ 18 đến 26, bên cạnh đó có những bệnh nhân dưới 1 tuổi và bệnh nhân cao tuổi nhất đã 47 tuổi. Đáng nói, có đến 21 ca mắc sởi đã có tiền sử tiêm 1 mũi vaccine phòng sởi, 2 trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Điều trị bệnh nhân sởi |
Trước thực trạng trên, hôm qua, 9-2, Phó Giám đốc TTYT dự phòng Hà Nội, ông Nguyễn Hòa Bình đã có công văn yêu cầu khối các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, học viện đóng trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban dạng sởi trong nhà trường để cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng và không để tử vong xảy ra.
Yêu cầu các trường phối hợp với y tế địa phương để xử lý triệt để, không để dịch lây lan, tổ chức tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trong nhà trường tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên sát trùng đường mũi họng. Khi có biểu hiện sốt, phát ban cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Cũng trong chiều qua, TTYT dự phòng đã tổ chức tập huấn cho gần 100 cán bộ y tế của các trường THCN, CĐ, ĐH, HV trên địa bàn Hà Nội về công tác phòng chống dịch. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo 577 xã, phường, thị trấn làm tốt công tác phòng chống dịch sởi nói riêng và các bệnh dịch khác trong mùa đông xuân.
Trong khi đó, theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) chiều 9-2, từ đầu năm 2009 đến nay tại 11 tỉnh khu vực miền Bắc đã ghi nhận 326 trường hợp dương tính với bệnh sởi. Riêng Hà Nội có 106 bệnh nhân sởi. Bệnh xảy ra tản phát, số mắc ở nhóm trên 10 tuổi chiếm 92,4%.
TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường cho biết, thời tiết trong mùa đông - xuân lạnh, ẩm làm cho virus sởi dễ lây lan, phát tán bệnh. Tuy nhiên tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ dưới 1 tuổi trong 10 năm gần đây và tiêm vaccine sởi mũi 2 cho trẻ 6 tuổi từ năm 2000 đến nay của Hà Nội liên tục đạt trên 95% đã tạo miễn dịch cho cộng đồng nên khó có khả năng bùng phát thành dịch lớn.
Được biết, trên thế giới hàng năm có khoảng 120 quốc gia ghi nhận bệnh nhân sởi, chủ yếu ở các nước khu vực châu Phi, Địa Trung Hải, và châu á với khoảng 20 triệu người mắc, mỗi ngày có khoảng 540 người tử vong vì bệnh sởi.
Còn tại nước ta, hàng năm ghi nhận từ 1.500-2.000 trường hợp mắc sởi. Chiến lược loại trừ bệnh sởi ở Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2012, Việt Nam sẽ khống chế sự lưu hành của virus sởi trong cộng đồng và loại trừ bệnh sởi.
Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia vẫn tiếp tục duy trì tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, tiến hành tiêm vaccine sởi bổ sung liều 2 cho trẻ 6 tuổi trên phạm vi toàn quốc.
Ngoài ra sẽ thực hiện chiến dịch tiêm vaccine sởi bổ sung cho vùng nguy cơ cao khi cần. Cụ thể, nếu xuất hiện ổ dịch sởi lớn với 100 người mắc trên một địa bàn (quận, huyện) thì sẽ tính đến việc tiêm vaccine bổ sung cho người dân trên địa bàn.
Tiến Hưng