Bệnh nhi bị sốt phát ban dạng sởi nhập viện tăng đột biến

(ANTĐ) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, dịch sốt phát ban dạng sởi ở người lớn đã bùng phát tại 11 tỉnh, thành phía Bắc và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi ngày 10-2, tại BV Nhi Trung ương, số bệnh nhi nhập viện với các triệu chứng sốt phát ban dạng sởi tăng đột biến trong 2-3 ngày trở lại đây. 

Bệnh nhi bị sốt phát ban dạng sởi nhập viện tăng đột biến

(ANTĐ) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, dịch sốt phát ban dạng sởi ở người lớn đã bùng phát tại 11 tỉnh, thành phía Bắc và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi ngày 10-2, tại BV Nhi Trung ương, số bệnh nhi nhập viện với các triệu chứng sốt phát ban dạng sởi tăng đột biến trong 2-3 ngày trở lại đây. 

>>>Bệnh sởi rải rác, khó bùng phát thành dịch lớn

Một bệnh nhi bị sốt phát ban dạng sởi đang điều trị
Một bệnh nhi bị sốt phát ban dạng sởi đang điều trị

Quá tải bệnh nhi sốt phát ban dạng sởi

Tại Khoa Chống nhiễm khuẩn - BV Nhi Trung ương, cháu Đặng Thị Tuyết, 9 tuổi, ở Can Lộc, Hà Tĩnh hiện vẫn phải truyền nước, ăn bằng ống xông và thi thoảng lại bị hôn mê sau hơn một ngày nhập viện. Mẹ cháu bé, chị Thanh kể lại, từ một tuần trước cháu Tuyết có biểu hiện sốt cao, nổi phát ban khắp người, sau đó vài ngày bệnh tình tiến triển nặng hơn, thi thoảng cháu bị hôn mê.

Đến ngày 9-2, gia đình phải đưa Tuyết ra BV Nhi Trung ương điều trị, cháu nhập viện trong tình trạng sốt cao, hôn mê sâu và co giật. Theo chị Thanh, gần nhà chị cũng có nhiều trẻ em bị sốt phát ban tương tự như con chị, nhưng khi ra đến Hà Nội chị mới biết có dịch sởi. Theo chẩn đoán của bác sĩ, bệnh nhi Tuyết đã bị biến chứng viêm não do sởi.

Cũng tại Khoa Chống nhiễm khuẩn còn rất nhiều bệnh nhi bị sốt phát ban dạng sởi đang điều trị và phần nhiều phải nằm ghép, trong đó có những bệnh nhân bị sốt cao, phát ban, khó thở, phải truyền nước, thở máy. Bên cạnh các trường hợp bệnh nhi bị sốt phát ban, khoa này cũng đang điều trị cho 5 bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu trong tình trạng nặng.

ThS, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Phó trưởng Khoa Chống nhiễm khuẩn, BV Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhân sốt phát ban và sốt phát ban do sởi thường vào viện rải rác trong năm. Tuy nhiên, khoảng 2-3 ngày gần đây, số lượng trẻ em bị sốt phát ban nhập viện tăng đột biến.

Tính đến sáng 10-2, đã có 22 bệnh nhân sốt phát ban đang điều trị tại khoa, đấy là chưa kể một số trường hợp sốt phát ban nhẹ đã được ra viện. Tuy chưa có kết quả xét nghiệm nhưng theo chẩn đoán lâm sàng thì có khoảng 1/3 số bệnh nhân đó bị bệnh sởi.

Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất mới 4 tháng tuổi. Riêng trong ngày 9-2, BV đã tiếp nhận 12 bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi. Cũng theo bác sĩ Lâm, so với năm ngoái, từ đầu năm đến nay số lượng bệnh nhân sởi vào viện nhiều hơn. Dự đoán trong 1-2 tháng tới, bệnh nhân bị bệnh sởi sẽ tiếp tục gia tăng.

Chuẩn bị đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi

Trước diễn biến dịch sởi đang ngày một lan rộng, ngày 10-2, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các công ty nhập khẩu vaccine về việc chuẩn bị nguồn cung cấp vaccine cho phòng dịch sốt phát ban dạng sởi.

Theo đó, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, thành phố chuẩn bị đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi để kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêm chủng phòng bệnh. Trường hợp không đủ vaccine phòng bệnh sởi do nhu cầu tiêm chủng tăng đột biến, đề nghị khẩn trương báo cáo về Cục Quản lý dược, Cục Y tế Dự phòng và môi trường và Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia để phối hợp giải quyết.

Đồng thời, Cục Quản lý dược cũng yêu cầu các công ty nhập khẩu vaccine khẩn trương thống kê số lượng các loại vaccine phòng, chống dịch bệnh tồn kho, điều chuyển phục vụ công tác phòng, chống dịch khi có yêu cầu của Bộ. Cục đề nghị Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế khẩn trương kiểm định các lô vaccine sởi hiện có để sớm đưa ra sử dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêm phòng của nhân dân.

Bệnh sởi là bệnh do virus thường lây nhanh nhất qua đường hô hấp. Phần lớn trẻ bị bệnh sởi sẽ tự khỏi, song cũng có những trường hợp bị biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ mắc bệnh cần chú ý giữ gìn vệ sinh, tăng cường thể trạng và cách ly những nơi công cộng để tránh lây chéo. Khi thấy trẻ có những biểu hiện như sốt cao trở lại, hôn mê, co giật... cần phải đưa ngay đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và cứu chữa kịp thời.

Tiến Hưng