Bát nháo xe khách: Muôn "chiêu" né lực lượng chức năng, gạt hành khách

ANTĐ - Mặc cho những thông tin phản ánh, lên án đối với thực trạng “bát nháo” xe khách hiện nay, nhiều chủ xe vẫn tìm đủ cách để né lực lượng chức năng, cũng như cung cấp thông tin thiếu trung thực để dụ hành khách lên xe của mình. Có lẽ, câu hỏi “đến bao giờ tình hình mới được cải thiện?” vẫn cần thêm thời gian để có lời giải đáp xứng đáng.

Muôn “chiêu” né công an

Đối với giới chủ xe, phụ xe khách thì mối quan tâm lớn nhất của họ bên cạnh doanh thu mỗi ngày là… các chốt kiểm tra của lực lượng chức năng (Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông). Do hầu như xe nào cũng mong đón thêm khách ở dọc đường đi nên 3 lỗi phổ biến nhất là phóng nhanh (để giành khách), dừng/đỗ trái quy định và chở quá số người được phép. Bởi vậy, các chủ xe và phụ xe luôn giữ kết nối chặt chẽ với nhau qua điện thoại di động, để hỏi xem “có chốt bắn tốc độ/kiểm soát nào không?”.

Anh N. – một phụ xe có 5 năm kinh nghiệm ở bến xe Mỹ Đình – chia sẻ: “Xe cứ xuất bến, qua cầu Thăng Long là các chủ xe, phụ xe phải gọi điện thoại liên tục cho nhau để hỏi xe trước xem tình hình đóng chốt thế nào, từ đó ứng phó cho phù hợp. Chiều ngược lại cũng vậy, chuẩn bị vào đường Phạm Văn Đồng là điện thoại di động luôn trên tay”.

“Chiêu” này tuy đơn giản nhưng tỏ ra rất hiệu quả, vì các xe trước nắm tình hình, hỗ trợ cho xe sau trên tinh thần “trao đổi qua lại”.

Đón khách dọc đường là vi phạm phổ biến của nhiều xe khách

Bên cạnh đó, một “chiêu” né công an phổ biến khác đã tồn tại từ lâu trong giới lái xe, nhưng tới giờ vẫn được áp dụng hiệu quả là các lái xe ngược chiều ra ký hiệu hỏi nhau.

Chẳng hạn, khi một lái xe giơ tay hình khẩu súng lên – nghĩa là hỏi xem phía trước có chốt bắn tốc độ hay không – thì người lái xe ngược chiều có thể trả lời bằng động tác vẩy tay hạ xuống, tức là “Có, giảm tốc độ đi!” hoặc lắc tay, tức là “Không!”. Ngoài những động tác này, còn các kiểu hỏi-đáp bằng ký hiệu khác được cánh lái xe áp dụng hàng ngày. Và do thường đi ở làn ngoài cùng nên các lái xe khách có thể quan sát nhau rất dễ, từ đó liên tục “hỗ trợ” lẫn nhau.

Ngoài ra, các chủ xe/phụ xe thường rất “tham” khách, nên vào những lúc cao điểm như thứ 6 (chiều từ Hà Nội đi các tỉnh), Chủ Nhật (chiều từ các tỉnh về Hà Nội), các chủ xe/phụ xe luôn cố gắng đón tất cả khách vẫy ở dọc đường lên xe, mặc cho chỗ ngồi có chật chội tới đâu (thậm chí phải đứng một chân vì bị ép quá nhiều).
Với xe Hyundai County loại 29 chỗ (xe khách phổ biến cho các chặng khoảng 100km cách xa Hà Nội), nhiều chủ xe/phụ xe có thể nhét tới 40-50 người hoặc hơn.

“Để tránh bị để ý, các chủ xe/phụ xe thường bắt hành khách phải kéo rèm khi đi qua những vị trí nhạy cảm, có thể có camera hoặc chốt thanh tra, cảnh sát. Thành ra, trong cái xe cũ mèm thì phần rèm luôn được chủ xe lắp mới, che kín được phía trong. Và khi đông khách rồi thì bất kể trời mưa hay nắng cũng phải… kéo rèm”, chị Nguyễn Thị Thanh (quê Tuyên Quang) thường xuyên đi xe khách cho hay.

Nhiều “chiêu” gạt hành khách

Với tình hình ngày càng có nhiều xe khách chạy từ các tỉnh ra Hà Nội và ngược lại, thị trường xe khách trở nên nhộn nhịp và cạnh tranh gay gắt. Bởi thế, các nhà xe đã sử dụng không ít “chiêu” để lừa hành khách, miễn sao kéo được khách lên xe và thu tiền.

“Mình đứng chờ xe khách xuống Hà Nội ở quốc lộ 2c, đoạn gần cầu Tùy Sơn (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Bình thường, vào tầm 2 giờ chiều thì mình sẽ đón xe D.T. Nhưng trước đó khoảng 10 phút, bất ngờ có một xe khách khác hiệu T.T phóng qua, mời chào. Nhìn đề biển Mỹ Đình, xe lại còn chỗ ngồi nên mình tặc lưỡi lên luôn cho được việc. Ai ngờ tới gần Hà Nội, họ giấu biển Mỹ Đình đi, rồi dừng ở Sóc Sơn để ‘sang khách’ cho xe khác, vì xe này đi bến xe Gia Lâm. Lên xe kia, dù không phải đóng thêm tiền, nhưng rất bực vì chật chội, mình phải chen chúc khổ sở ở lối giữa xe”, chị Bích Thảo (Vĩnh Phúc) bức xúc bày tỏ.

Bị nhồi nhét trên xe khách là ác mộng của không ít hành khách

Theo chủ xe tên N. có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, do việc xin “lốt” ở Mỹ Đình rất khó khăn, trong khi nhiều người lại có nhu cầu đi về bến xe này, nên các xe có “lốt” ở những bến khác (Yên Nghĩa, Gia Lâm) vẫn đón khách đi Mỹ Đình, rồi tới điểm “sang” khách quen thuộc gần Hà Nội (thường là các quán gần quốc lộ) thì trao khách cho những xe đi Mỹ Đình.

“Để hút khách thì nhiều xe để sẵn các biển ghi Mỹ Đình trong xe, cốt ‘lừa’ khách nào không biết, nhưng tới gần Hà Nội thì lại cất đi để né lực lượng chức năng. Sau đó thì các xe trao đổi khách cho nhau, chỉ bất tiện chút là sau đó khách bị chuyển xe có thể chịu cảnh chen chúc cho tới bến”, chị N. cho hay.

Bên cạnh đó, hành khách còn dễ bị “bắt nạt” ở giá dịch vụ đi xe, do nhiều chủ xe/phụ xe lựa tình hình để bắt chẹt khách. Nếu khách nào dễ tính, hoặc chưa có kinh nghiệm về tỉnh thì có thể bị ép giá lên cao mà không biết, dù mức giá xăng, dầu hiện nay rất thấp.

Chị Thảo (Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Mình đi về quê cách Hà Nội khoảng 80km, giá là 50.000 đồng, dù giá niêm yết của nhà xe là 45.000 đồng. Nhưng đó là với khách quen, chứ khách lạ, nhà xe có thể thu tới 60.000-70.000 đồng”.

Ngoài ra, nếu là khách lạ thì hành khách rất dễ bị các chủ xe/phụ xe cung cấp sai về giờ xuất bến, nhằm mời chào khách lên xe của mình.

“Khách sốt ruột, cứ đòi đi ngay trong khi xe có giờ xuất bến nhất định, ra sớm không được, ra muộn không xong, nên đành nói cái giờ khởi hành sớm chút để người ta yên tâm”, chủ xe tên N. phân trần.

*****

Mặc dù trong thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tích cực tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động của các xe khách song nếu khảo sát thực tế ở những khu vực như bến xe Mỹ Đình, đường Phạm Văn Đồng… thì vẫn có thể thấy có những xe lách luật, dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, chở quá số người được phép…

Thực trạng này có lẽ chỉ có thể chấm dứt khi cơ quan chức năng siết chặt biện pháp giám sát “nguội” qua hệ thống camera, cũng như có chế tài xử phạt mạnh tay hơn nữa, để các chủ xe khách thực sự chấp hành, tuân thủ quy định của pháp luật.