Bất động sản nằm im chờ thời
(ANTĐ) - Khó khăn trong huy động vốn, doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang đứng trước nhiều khó khăn. Dự án dở dang không có vốn tiếp tục triển khai, trong khi đó giá BĐS và khối lượng giao dịch đều sụt giảm mạnh. Trước những thách thức không dễ vượt qua, nhiều doanh nghiệp chọn cách tạm dừng các dự án dang dở để chờ đợi những tín hiệu lạc quan hơn.
Ngân hàng không ác ý
Bình luận về chính sách thắt chặt tài chính với các dự án bất động sản, ông Phạm Sĩ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Ngân hàng không có ác ý gì mà họ phải tự cứu mình vì cho doanh nghiệp vay mà doanh nghiệp không bán được hàng thì ngân hàng không có khả năng thu hồi vốn. Ngân hàng chỉ cứu khi hai bên cùng có lợi. Cho nên việc tăng lãi suất hay siết chặt cho vay là bình thường và những người kinh doanh BĐS phải hiểu điều đó”.
Theo ông Phạm Sĩ Liêm, với tình hình hiện nay, đối sách phù hợp với các doanh nghiệp BĐS là nên quay vòng đồng vốn nhanh. Muốn thế, tỷ suất lợi nhuận phải hợp lý. Một dự án không tính bằng tổng vốn huy động mà tính bằng vốn tự có (20%) của doanh nghiệp thì tỉ suất lợi nhuận chỉ nên ở mức 20-30%. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp phải thực hiện biện pháp tức thời, thích ứng và nhạy bén. “Với doanh nghiệp đã có dự án rồi, bán không được thì cho thuê, hạ giá cho thuê còn hơn là để không. Với doanh nghiệp đang xây dựng dự án có thể chuyển đổi từ dự định căn hộ cao cấp sang căn hộ giá rẻ hoặc thành các dự án khác (văn phòng cho thuê giá rẻ, bệnh viện...). Còn các đơn vị đang GPMB thì nên dừng lại...” - ông Phạm Sỹ Liêm nói.
Nhiều dự án bất động sản phải nằm im chờ thời |
Theo ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản & Nhà đất Việt Nam, khi chống lạm phát, trong ngắn hạn, thị trường bị chững lại và các doanh nghiệp BĐS còn nhiều khó khăn, nhưng về lâu dài thị trường sẽ hồi phục. Thực ra, nhu cầu nhà ở của người dân tại các đô thị Việt Nam trong hiện tại và tương lai là rất lớn.
Hiện nay, nhà ở đô thị mới đạt 11m2/người, chúng ta phấn đấu đến 2011 khoảng 14m2/người, ở các đô thị nước ta hiện có 22 triệu người, nếu cứ tăng thêm 1m2/người thì phải có thêm 22 triệu m2 sàn. Theo như thống kê của Ngân hàng Thế giới, thị trường nhà ở và BĐS sẽ phát triển mạnh mẽ đến khi mức thu nhập bình quân trên đầu người đạt 8.000 -10.000 USD. Trong khi đó, đến nay mức GDP của Việt Nam mới chỉ đạt được 800-1.000 USD/người. Nói đến nhà ở thì phải nói đến rất nhiều loại hình, đặc biệt là nhà ở cho thuê, Việt Nam chưa có thị trường này. Vì nhà ở nhu cầu vốn rất lớn, cho thuê thì thời hạn kéo dài nên chưa khuyến khích các doanh nghiệp, vì vậy Nhà nước khuyến khích các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính, vốn ngân hàng, vốn trong dân để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở cho thuê.
Doanh nghiệp nằm im
Ông Đặng Hoàng Vũ - Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Thanh Bình cho rằng, với tình hình như hiện nay, các doanh nghiệp phải tự xoay xở và chờ đợi. Khi các doanh nghiệp thắt lưng buộc bụng, nằm im nghe ngóng thì lẽ đương nhiên trong tương lai sẽ thiếu hàng hóa và đây là vấn đề cố hữu của thị trường BĐS Việt Nam. Khi nền kinh tế vĩ mô ổn định trở lại thì thị trường BĐS lại tăng. Bởi vậy trong dài hạn, Nhà nước phải làm sao tạo được nhiều sản phẩm, huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư BĐS, lúc đó nguồn cung mới nhiều. Còn thực tế hiện nay, nguồn cung của chúng ta nhiều chủ yếu là nhiều trên... giấy.
Đánh giá về thị trường BĐS, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tỏ ra khá lạc quan: “Nhìn chung, tiềm năng là rất lớn. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã nhận thấy điều này. Trong 6 tháng đầu năm nay có 19,6 tỉ USD trong tổng 31,6 tỉ USD vốn FDI là đầu tư vào BĐS (chiếm trên 60%, cá biệt ở TP.HCM tỉ trọng này là 70%). Vì vậy, theo tôi, những khó khăn hiện tại chỉ là tức thời, các doanh nghiệp BĐS Việt Nam cần biết kiên nhẫn chờ đợi và phải tìm ra cách giải quyết những khó khăn trước mắt, chủ động chuẩn bị tốt tiềm lực và nâng cao tính chuyên nghiệp để cạnh tranh thì về trung và dài hạn sẽ vẫn gặt hái được thành công. Đồng thời các nhà đầu tư BĐS trong nước cũng phải biết liên doanh, liên kết để huy động và tập trung nguồn lực kể cả với doanh nghiệp nước ngoài, biết chia sẻ lợi nhuận và rủi ro. Có như vậy mới có thể giải được bài toán nhu cầu vốn trước mắt cũng như lâu dài”.
Nam Anh