“Bắt bệnh” doanh nghiệp
(ANTĐ) - Người ta ví nền kinh tế nước ta như một đoàn tàu đang lao đi với tốc độ lớn, bỗng đột ngột hãm phanh, tất nhiên có nhiều doanh nghiệp không bám chắc bị văng ra ngoài. Đó là những doanh nghiệp đã phá sản hoặc đang có nguy cơ phá sản. Thực tế này không thể phủ nhận, nhưng làm sao “bắt bệnh” được số lượng những “nạn nhân” đó để đưa ra giải pháp cấp cứu?
Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam thừa nhận, chưa thể đưa ra số liệu chính xác, nhưng khảo sát qua mẫu cho thấy, nhiều khu vực doanh nghiệp rất khó khăn, nhiều đơn vị phải ngừng sản xuất do thiếu đơn đặt hàng nước ngoài trong các ngành dệt may, chế biến gỗ, thủy sản, du lịch…
Một bộ phận doanh nghiệp “co cụm” sản xuất, không dám mạnh tay mở rộng quy mô sản xuất. Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội nói, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền thông, xây dựng, thiết kế, tư vấn, dịch vụ thương mại “bật mí” họ đang làm thủ tục tạm dừng hoặc đóng cửa. Chắc chắn sang năm 2009, sẽ có hàng loạt công ty, doanh nghiệp “cáo phó”.
Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội cũng chia sẻ tình cảnh này, nói: “Thú thực là các doanh nghiệp rất khó khăn. Có những anh co cụm lại hay bị xiết nợ. Có anh đình đốn sản xuất hoặc nằm im chờ thời”. Như vậy, đánh giá của cả bốn vị Chủ tịch doanh nghiệp là khác xa so với nhận xét của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong thời điểm tháng 10 vừa qua.
Lúc đó, ông Chủ tịch này cho rằng, có tới 20% doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, trong số này, có 10% đã ngừng hoạt động hoặc đã chuyển hướng hoạt động và 10% còn lại bị ảnh hưởng lớn của lạm phát. Tuy vậy, Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội tỏ ra nghi ngờ con số này. Bởi theo ông, con số 20% phá sản chỉ là dự báo; không ai muốn “tự thú” rằng mình đang phá sản để “mời” người ta đến xiết nợ. Được biết, Văn phòng Chính phủ đang tiến hành điều tra con số này tại các địa phương.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, tăng trưởng tín dụng trong 11 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 19%. Đây là mức thấp bất thường so với mức trung bình 25% của nhiều năm qua. Một nghiên cứu mới đây của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy, khi khảo sát 269 doanh nghiệp tại Hải Phòng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì chỉ còn 50% đang hoạt động, 21% đã ngừng hoạt động và 29% đã “lặn mất tăm”.
Cũng theo Bộ này, trong 9 tháng đầu năm có 49.300 doanh nghiệp mới ra đời. Song, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới trên cả nước đang có chiều hướng giảm sút mạnh kể từ tháng 6 đến nay so với nửa đầu năm. Bộ cũng đặt câu hỏi về triển vọng khó đạt được mục tiêu có được, 500.000 doanh nghiệp tư nhân đến năm 2010, trong khi tính đến cuối năm nay mới có nổi 360.000 doanh nghiệp. Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2008 mới công bố cũng cho thấy, có tới 73% trong tổng số 254 doanh nghiệp được điều tra trả lời rằng họ thực sự “điêu đứng” bởi tác động suy thoái kinh tế, 14% chưa bị ảnh hưởng và chỉ có 13% còn tỏ ra “tươi tỉnh” về tương lai. Năm 2008 sắp khép lại, một năm mà nền kinh tế cũng như giới doanh nghiệp đã trải qua liên tiếp hai “trận ốm” nặng: Sốt nóng với lạm phát hồi đầu năm, rồi lại cảm lạnh với giảm phát cuối năm. Liệu tình trạng đảo chiều đột ngột và chưa từng có này sẽ “đánh” vào các doanh nghiệp như thế nào? Phải “bắt bệnh” cho trúng để tìm cách chữa trị.
Đan Thanh