Bảo tồn “lẵng hoa” giữa lòng thành phố

ANTĐ - Những năm qua, rất nhiều phương án quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang đã được đưa ra nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử hồ Hoàn Kiếm. Khi đến dịp lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, thêm nhiều ý kiến về diện mạo của “viên ngọc xanh” thành phố được bàn thảo. 
Mở rộng không gian đi bộ 

“Từ việc đóng vai trò như lõi đô thị rất vừa tầm, hồ Hoàn Kiếm lại đang chịu một sức tải không hề nhỏ sau khi Hà Nội trở thành một thành phố rộng lớn”, đó là nhận định của KTS Nguyễn Xuân Anh - Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Bộ Xây dựng. Dải không gian nhỏ hẹp quanh hồ bị phân mảnh bởi các làn giao thông, không thể đáp ứng việc tổ chức các sự kiện lớn tập trung đông người. Trong khi đó, một loạt các công trình mọc lên xung quanh hồ được sử dụng với những mục đích không tương xứng với không gian đắt giá giữa lòng thành phố. KTS Nguyễn Xuân Anh viện dẫn, cụ thể đó là công trình Hàm Cá Mập, cũng như một vài công trình cần được đặt dấu hỏi về cách sử dụng như nhà hàng Thủy Tạ, nhà hàng Long Vân, phố bán túi da Đinh Tiên Hoàng, hàng rong nộm bò khô phố Hồ Hoàn Kiếm… vô hình trung đã làm giảm chất lượng thẩm mỹ không gian hồ đã từng có. 

Trên thực tế, cái thiếu của hồ Hoàn Kiếm trong nhiều năm qua đó là một không gian công cộng phục vụ đời sống của nhân dân. Một trong những phương án được các kiến trúc sư, các nhà quản lý đưa ra nhằm cải thiện sức chịu tải của “viên ngọc xanh” này là tổ chức khu vực đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm. KTS Nguyễn Xuân Anh đề xuất biến 3/4 diện tích đường phố khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm thành không gian đi bộ, nâng cao chất lượng sinh hoạt cộng đồng, giảm thiểu ô nhiễm do xe cộ gây ra.

Đồng tình với quan điểm này, KTS Tô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, xung quanh khu vực hồ có nhiều cơ quan, công trình với mục đích sử dụng khác nhau như UBND thành phố, Công ty Điện lực Hà Nội, Sở VH-TT&DL, Báo Nhân dân, Báo Hà Nội mới… ít thích hợp với khu vực đi bộ, nên việc mở rộng không gian đi bộ tại những khu vực này rất khó khăn. Tuy nhiên, khu vực hồ Hoàn Kiếm có những điều kiện thuận lợi nhất định để cụ thể hóa phương án này. Chẳng hạn một không gian đi bộ gồm 6 tuyến phố trong khu vực phố cổ với trung tâm là phố Hàng Buồm cũng vừa mới được đưa vào phục vụ người dân đầu tháng 10 và bước đầu đã nhận được phản hồi tích cực. Ngay cả phố Tràng Tiền – con phố “vàng” nối hồ Hoàn Kiếm với Nhà hát Lớn cũng đã từng được đưa vào nghiên cứu, đề xuất. Tuy nhiên, theo KTS Tô Anh Tuấn, bất cứ phương án chuyển đổi nào, dù là khu vực đi bộ hay chức năng khác đều phải duy trì và phát huy những giá trị ưu việt của khu vực này, cụ thể tính đa chức năng, sầm uất, sôi động nhưng vẫn vẹn nguyên những giá trị truyền thống.    

 

Tăng cường chức năng văn hóa, lịch sử

Bảo tồn “lẵng hoa” giữa lòng thành phố ảnh 1
Không nên “đồng nhất hóa” kiến trúc khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm

Theo  GT.TS, KTS Hoàng Đạo Kính - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, không nên “đồng nhất hóa” kiến trúc hồ Hoàn Kiếm. Khác với các trung tâm của đô thị kinh điển với những công trình hoành tráng, đường bệ, sự đa dạng trong kiến trúc khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm với những công trình hành chính, thương mại, nhà ở… đan xen đã làm nên vẻ đẹp có phần “không chuẩn mực” nhưng mang giá trị riêng của khu vực này. KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, chúng ta cần tôn trọng tính lịch sử để lại cho hồ Hoàn Kiếm, chứ không thể “quần thể hóa” các công trình bao quanh nó: “Không bịt kín hồ Hoàn Kiếm thành quần thể, mà khơi dòng, để hồ Hoàn Kiếm tỏa ra, chảy vào các khu phố như Lý Quốc Sư, như Ngõ Huyện… để cho những thứ đẹp nhất tồn tại trong khu vực hồ”. 

Còn KTS Hoàng Thúc Hào - chủ nhân của nhiều dự án công trình đoạt giải thưởng của Hà Nội thì cho rằng, giá trị của hồ Hoàn Kiếm chính là “khoảng tĩnh”, chứa đựng lắng đọng sâu xa của lịch sử và ký ức. Một trong những ý tưởng KTS Hoàng Thúc Hào đưa ra, đó là trả lại nguyên gốc Ngân hàng ANZ và chuyển đổi thành một bảo tàng Hồ Gươm, kết hợp với tượng - đền vua Lê tạo thành quần thể hồ Hoàn Kiếm linh thiêng. Cùng với đó mở rộng không gian công viên, cây xanh xung quanh hồ, với việc lấy lòng đường khoảng 8m, trên cơ sở hệ thống giao thông được đồng bộ, thông suốt. Điều này sẽ tạo cho hồ Hoàn Kiếm một không gian cổ xưa, huyền thoại, xanh hơn, thân thiện hơn, nhưng vẫn duy trì sự “thống nhất trong đa dạng” về hình thái kiến trúc mà nó đang sở hữu.