Bão số 7 đang diễn biến phức tạp
(ANTĐ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, trong 12 giờ qua, bão số 7 hầu như ít di chuyển. Vào 13h ngày 23-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc, 110,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Bình Thuận khoảng 200km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật trên cấp 12.
Sau khi đột ngột mạnh lên trên cấp 12, bão số 7 di chuyển chậm và có khả năng đổi hướng, trực tiếp gây ảnh hưởng đến các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận trong 24 giờ tới. Tâm bão có khả năng đi sát vào bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận.
Từ tối 23-11, vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa nước biển dâng kết hợp với thủy triều có thể lên cao từ 4 đến 5 mét.
Tàu thuyền ở Kiên Giang vào sâu trong rạch neo đậu tránh bão | Bản bồ dự báo đường đi của bão |
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, bão số 7 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Các trung tâm khí tượng thế giới dự báo không thống nhất, có đài dự báo bão số 7 sẽ quay ra biển chứ không đi vào đất liền. Từ 9h sáng hôm qua, bão số 7 gần như đứng yên.
Cho đến hôm qua, 23-11, số lượng tàu, thuyền hoạt động trong vùng biển nguy hiểm vẫn còn 78 tàu/703 ngư dân, chủ yếu tập trung ở quần đảo Trường Sa. Hiện đã có 4 tàu cá bị chìm, 1 người mất tích. Trong khi đó, số người dự kiến phải di dời tránh cơn bão số 7 gần 200.000 người.
Ngày hôm qua, Ban chỉ đạo PCLBTW tiếp tục gửi đi công điện số 138 gửi ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau; ban chỉ huy phòng chống lụt bão các bộ, đề nghị: kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, đồng thời cấm các phương tiện ra khơi; chuẩn bị sẵn sàng việc sơ tán dân; chuẩn bị phương án đối phó với lũ, dự trữ lương thực, thuốc men...
Ngân Tuyền