Bảo quản hoa quả… cả năm

ANTĐ - Trước thông tin quả lê để 5 tháng, trái táo 9 tháng vẫn không hỏng khiến nỗi sợ của người tiêu dùng tăng lên, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, với các giống lê, táo có thời gian bảo quản dài, sản xuất trong điều kiện không bị nhiễm vi sinh vật gây hỏng nhanh, được xử lý bằng chất bảo quản an toàn… có thể để được 6-10 tháng, thậm chí cả năm. 

Việc hoa quả để lâu, chưa nên vội kết luận là do có chất bảo quản độc hại. Có vẻ như trong khi người tiêu dùng hoang mang với những loại trái cây có hóa chất mà mắt thường không thể phân biệt được thì cơ quan quản lý vẫn rất bình thản. Kể cả chất bảo quản an toàn, mà hoa quả để… cả năm thì có người tiêu dùng có nên sử dụng?

Đáng lo ngại hơn, hiện trên thị trường có tới 2.000 loại chất bảo quản nhưng các phòng xét nghiệm ở nước ta chỉ xác định được 600 loại, tức chưa đến 1/3. Lượng hóa chất, phụ gia hiện nay rất đa dạng, nên cơ quan Nhà nước không biết cơ sở sản xuất bỏ chất gì để kiểm tra, mà chỉ đơn giản kiểm soát những chất do Bộ Y tế quy định. Có nhiều hóa chất mới chưa định danh được, khó kiểm soát dư lượng; kiểm nghiệm thường xuyên nhưng hầu như không phát hiện.

Có nghĩa là năng lực kiểm nghiệm, kiểm soát ATVSTP trong nước còn nhiều hạn chế. Ví như ngay việc chưa có hệ thống kho lạnh nên không có điều kiện lưu giữ đối với các lô hàng khi test nhanh chất cấm để chờ kết quả định lượng. Bởi vậy, khi có kết quả định lượng có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép thì lô hàng đó đã lưu thông ngoài thị trường và dù có tìm thấy hóa chất độc hại thì hàng chục hàng trăm tấn hoa quả đó đã kịp chui vào bụng cả triệu người tiêu dùng! Chưa kể như PGS TS Nguyễn Duy Thịnh, người đã nghiên cứu nhiều năm tại Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường Đại học Bách khoa, nghi ngờ rằng, lê, táo để hàng tháng không hỏng có thể được chiếu xạ ở cường độ cao. Nếu quả bị chiếu xạ cường độ cao, quả sẽ bị nhiễm xạ, con người ăn vào sẽ nguy hiểm đến sức khỏe. Có lẽ những vấn đề bức xúc trước quá nhiều nguy cơ độc hại, nhưng công tác kiểm nghiệm, kiểm soát lại rất hạn chế là đáp án cho câu hỏi: “Tại sao ung thư nhiều đến vậy?”

Việc sử dụng thực phẩm có chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng độc hại nhiều lần sẽ tích lũy trong cơ thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh nguy hiểm cho tính mạng con người dạng ung thư, suy gan, bại thận… Nhiều trường hợp không thể phát hiện ra ngay mà chỉ có thể nhận biết được sau thời gian rất dài. Việc những sản phẩm “sống lâu” không lý giải được nguyên do kể trên vẫn được bày bán trên thị trường, đối tượng chịu thiệt hại cuối cùng là người tiêu dùng. Nói không ăn thì cũng khó, còn ăn thì chết từ từ. Bên cạnh việc rất khó khăn để cơ quan chức năng phát hiện được, chứng minh được theo các căn cứ khoa học, thì đến khi xử lý (nếu có) lại …rất khẽ, không đủ để răn đe, bởi khung hình phạt đưa ra chỉ có thế!?

Điều công luận mong chờ hơn là một giải pháp tổng thể nhằm bảo vệ sức khỏe, ATVSTP cho người dân. Từ hệ thống các phòng xét nghiệm cho tới cơ chế, bộ máy kiểm soát hữu hiệu ngay từ biên giới chứ không phải chỉ là những câu trả lời sau khi vi phạm đã xảy ra.