Bao giờ hết lạm thu?

ANTD.VN - Năm học mới vừa được một tuần, tiếng trống khai trường vẫn còn dư âm náo nức trong lòng hàng triệu học sinh cả nước, song đối với những người làm cha, làm mẹ, đó cũng là tín hiệu hối thúc các khoản tiền trường phải đóng góp ngoài quy định của Bộ GD-ĐT. Nỗi lo lạm thu và gánh nặng tài chính trên vai các bậc phụ huynh mỗi khi con em bước vào năm học mới vẫn còn trĩu nặng ở nhiều trường, nhiều địa phương.

“Điệp khúc” lạm thu đã lặp đi, lặp lại từ nhiều năm nay, bất chấp những quy định của ngành giáo dục, bỏ ngoài tai những tiếng kêu ca, phản ứng của phụ huynh và dư luận xã hội. Chẳng hạn như “nhầm” bảo hiểm y tế với các bảo hiểm thương mại khác mang tính tự nguyện nên thông báo nhập nhèm khiến phụ huynh bắt buộc phải bỏ tiền mua cả gói bảo hiểm.

Ngay cả một số khoản thu được phép như tiền ăn bán trú, tiền vệ sinh, nước uống, đồng phục... cũng phải trên nguyên tắc thỏa thuận với cha mẹ học sinh, công khai, minh bạch. Thế nhưng không ít trường đã sử dụng “độc chiêu” núp dưới danh nghĩa hội phụ huynh. Có một thực tế phổ biến là hầu hết những người trong hội này lại đứng về phía lợi ích của nhà trường, hiệu trưởng, không dám nói lên tiếng nói của phụ huynh, bảo vệ quyền lợi của học sinh.

Chính vì vậy, các cuộc họp phụ huynh có thể nói diễn ra như một “vở kịch” đầy đủ lớp lang, song đã biết trước một kết thúc... có hậu. Tức là 100% phụ huynh đều đồng tình, nhất trí đóng góp các khoản thu mà nhà trường “vẽ” ra dưới cái vỏ xã hội hóa, kể cả những khoản vô lý. 

Bộ GD-ĐT cũng vừa ban hành quy định điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh nhằm ngăn chặn nạn lạm thu núp bóng hội phụ huynh. Theo đó, không được thu các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp nhà trường như bảo vệ cơ sở vật chất, an ninh, trông giữ xe của học sinh. Đặc biệt là các quỹ khen thưởng cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên cũng như việc mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học... không được “moi tiền” của phụ huynh.

Thực trạng lạm thu tiền trường khiến các bậc cha mẹ học sinh bức xúc chính là tinh thần “tự nguyện” đã và đang bị biến tướng, bóp méo biến thành sự “tự nguyện bắt buộc”. Đơn cử, ngay sau khi dư luận “nóng” lên vì một khoản đóng góp “tự nguyện” tiền trường lên tới gần chục triệu đồng, ngành giáo dục Hải Phòng đã phải xử lý vụ việc này. Ngành giáo dục mạnh tay xử lý là trách nhiệm tất yếu, chính quyền phường, xã, quận, huyện cũng không thể đứng ngoài cuộc, vô can. Bao giờ hết lạm thu tiền trường là câu hỏi “treo” với các cơ quan quản lý có liên quan đến sự nghiệp “trồng người”.