Báo động! Nhìn đâu cũng thấy cháy

ANTĐ - Những vụ cháy lớn trong thời gian qua cũng đã làm dư luận nóng lên, ồn ào lên đôi chút. Song đâu lại vào đấy, người ta nhìn những vụ cháy như việc của người khác mà không biết rằng nguy cơ xảy cháy có thể đến bất cứ lúc nào, nhất là ý thức phòng cháy của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân còn quá kém…
Báo động! Nhìn đâu cũng thấy cháy ảnh 1

Liên tục… cháy 

Trên địa bàn cả nước, cũng như TP Hà Nội 2 tháng gần đây liên tục xảy ra các vụ cháy lớn. Đầu tiên phải kể đến vụ việc quán bar Luxury ở 153 Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội bất ngờ bốc cháy vào khoảng 23h ngày 23-9 vừa qua. Quán bar được thiết kế 2 tầng, mỗi tầng khoảng 700m2, thời điểm xảy ra cháy trong quán có khoảng 100 người gồm cả khách và nhân viên, rất may tất cả đã kịp thời thoát ra ngoài. Khi vụ cháy xảy ra, hơn chục xe cứu hỏa, gần 100 cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng PCCC, CAQ Tây Hồ, CSCĐ, CSGT đã được điều động tới hiện trường. Do bên trong có nhiều vật liệu bén lửa nên chỉ sau hơn 1 giờ đồng hồ, gần như toàn bộ quán bar chìm trong lửa, đỏ rực một góc hồ Tây. Đến 1h30 ngày 24-9 ngọn lửa cơ bản được dập tắt song toàn bộ tài sản bên trong đã bị thiêu rụi. Do bên trong đống đổ nát, khung sắt, mái tôn còn khá nóng, nguồn nhiệt tỏa ra lớn nên chiều 24-9, lực lượng chức năng mới khám nghiệm hiện trường; và nguyên nhân gây hỏa hoạn được xác định do chập điện trên gác của quán bar. Theo ước tính, vụ hỏa hoạn gây thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng…

Khi “dư âm” về vụ cháy quán bar Luxury còn chưa “nguội”, thì chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, “bà hỏa” lại tiếp tục “ghé thăm” tạo nên 2 vụ cháy lớn ở Hà Nội gây thiệt hại hơn 130 tỷ đồng. Cụ thể, đám cháy bùng lên từ 18h30’ ngày 18-10 tại 1 công ty trong Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh và kéo dài nhiều giờ khi lan sang khu nhà kho công ty gỗ rộng hơn 10.000m2. Đến 21h cùng ngày, trận hỏa hoạn đã làm sập khu xưởng, hàng trăm khối gỗ trong kho bốc cháy, hàng chục xe cứu hỏa, hàng trăm CBCS đã được huy động để nỗ lực dập lửa… Và cùng ngày, một đám cháy khác được cho là khởi phát lúc 21h45’ từ một garage trên khu đất gồm nhiều điểm sửa chữa ôtô, nhà hàng ăn uống ở bên hông toà nhà Keangnam, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội. Tại khu đất xảy ra cháy ban ngày những quán hàng ở đây khá nhộn nhịp thực khách, về đêm quán chỉ còn nhân viên ngủ lại trông nom. Với tốc độ của ngọn lửa, toàn bộ khu đất rộng lớn với các gian hàng làm bằng vật liệu nhẹ, lợp tôn nhanh chóng chìm trong biển lửa. Đám cháy thỉnh thoảng phát ra những tiếng nổ lớn, các bình gas, xăng, nhớt… còn sót lại trong cửa hàng được nhận định là nguyên nhân gây nổ. 

Theo báo cáo của Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm, nếu không tính 2 vụ cháy nêu trên, thành phố xảy ra 126 vụ cháy làm 18 người chết, 14 người bị thương, phần lớn các vụ cháy xảy ra tại nhà dân chiếm 44%, xưởng sản xuất chiếm 21%... Nguyên nhân của các vụ cháy được xác định có tới 43% liên quan đến sự cố về điện, ngoài ra các nguyên nhân về vận hành máy móc sai quy trình, rò khí gas...

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì phòng cháy có vai trò quyết định, chữa cháy chỉ là “chốt chặn” cuối cùng. Nếu đã xảy ra cháy, ắt sẽ có hậu quả, đặc biệt ở những khu tập trung đông người, nhà máy, chợ, trung tâm thương mại, chung cư cao tầng… Thực tế đã chứng minh khi thời gian gần đây, các vụ cháy ở quán bar, câu lạc bộ, nhà xưởng, khu công nghiệp… dù lớn hay nhỏ phần lớn đều bắt nguồn từ ý thức PCCC của người dân quá kém: mang bếp than tổ ong vào chung cư cao tầng để đun nấu, hóa vàng mã trong nhà, tự đấu nối dây điện, lắp đặt điều hòa, bình nóng lạnh phục vụ sinh hoạt khiến nguy cơ chập điện, cháy, nổ luôn ở mức báo động.    

Từ nhà riêng, căn hộ chung cư, nhà trẻ, trường học, quán bar, nhà trọ, khu công nghiệp, chế xuất, nhà máy… - bất kỳ nơi đâu, nếu kiểm tra công tác phòng cháy thì đều… có vấn đề. Họng nước không có nước, không trang bị bình chữa cháy, có bình chữa cháy nhưng không hoạt động, đun nấu tùy tiện, các công trình bỏ qua công đoạn phòng cháy… Nhìn nguy cơ cháy nổ hiện hữu mà thấy rùng mình.

Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nhanh bằng việc “điểm danh” các xóm trọ bình dân ở Hà Nội như ngoài đê sông Hồng, các phường Phúc Tân, Chương Dương - quận Hoàn Kiếm; Phúc Xá - quận Bà Đình… Với giá thuê phòng vài chục nghìn đồng/ngày, cả người thuê và cho thuê trọ chẳng mấy ai bận tâm đến công tác PCCC. Thực tế những xóm trọ hiện diện tại đây có tuổi đời vài chục năm, xây dựng tự phát, chắp vá, thời gian biến các xóm trọ này trở nên cũ nát, lụp xụp và nguy cơ hỏa hoạn tại các xóm trọ rất dễ xảy ra. Không phải là chuyện đùa bởi như 1 khu trọ nằm sâu trong một ngõ nhỏ hun hút thuộc phố Bạch Đằng cao 4 tầng, mỗi tầng có 7 phòng trọ, cầu thang lên xuống rộng đủ 1 người đi nghiêng, hành lang các tầng la liệt bếp gas du lịch, bếp than tổ ong, bếp dầu đun nấu, quần áo phơi giăng khắp tường cùng các vật dụng dễ cháy. Cao điểm mỗi khu trọ thế này có sức chứa khoảng 100 người là những người buôn ra bán mẹt ở các chợ Hà Nội. Theo ghi nhận hầu hết các phòng trọ kiểu này đều trong các ngõ nhỏ, được chia-ngăn-lợp chủ yếu bằng các vật liệu dễ cháy, hệ thống dẫn điện, cung cấp điện cho các phòng trọ được đấu nối tạm bợ, tiềm ẩn nguy cơ chập nổ, nếu xảy ra cháy xe chữa cháy rất khó tiếp cận hiện trường… Và thực tế chính sự thờ ơ của người thuê trọ, sự phớt lờ của chủ trọ thì nguy cơ hỏa hoạn là điều dĩ nhiên. 

Rời nhà trọ, chúng tôi tiếp tục khảo sát tại các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội mà hầu hết quận nào cũng có. Và thực tế cũng chẳng khá khẩm hơn các phòng trọ giá rẻ cho người lao động là mấy. Làm 1 phép thử, chỉ cần đi thang bộ từ tầng 1 lên tầng 5 của bất kỳ một khu tập thể cũ nào ở khu vực Giảng Võ, chắc chắn sẽ bắt gặp những bếp than tổ ong được để ở các sảnh nghỉ giữa các tầng. Từ đun nước, nấu nướng sẽ được các gia chủ tận dụng ở ngay trước của căn hộ của mình vì sự chật hẹp, bức bí của không gian ở. Và nếu bất cẩn, hỏa hoạn là điều khó tránh khỏi. Tại khu chung cư Nam Trung Yên, bảng nội quy treo chềnh ềnh ở cầu thang về việc cấm đun than, phòng cháy nổ, nhưng người dân vẫn cứ thản nhiên xách cả bếp than vào trong thang máy, thậm chí những nhà dân sống bằng nghề bán hàng còn sử dụng cả bếp than ninh nấu ngay tại hành lang, hoặc trong chính nhà mình, khí than nồng nặc.

Thế còn các chung cư mới cao tầng đang đua nhau mọc lên khắp Thủ đô thì sao? Thực tế thì lực lượng chữa cháy cơ sở ở nhiều chung cư, nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội thường là bảo vệ tòa nhà, ứng trực quá mỏng, không thao tác, sử dụng thành thạo, không đủ khả năng vận hành hệ thống chữa cháy tại các tòa nhà khi hỏa hoạn xảy ra. Một số vụ cháy chung cư gần đây trên địa bàn Hà Nội được xác định nguyên nhân do điện. Nhiều hộ dân hiện cho thuê nhà ở làm văn phòng, chuyển đổi công năng từ nhà ở sang văn phòng sẽ phát sinh nhiều thiết bị tiêu thụ điện, tình trạng quá tải, chập cháy đường dây khó tránh khỏi. Đáng chú ý, quá trình kiểm tra các chung cư, công trình nhà cao tầng, Cảnh sát PCCC còn ghi nhận tại một số tòa nhà, người dân vẫn sử dụng ngọn lửa trần đun nấu ngoài hành lang, cầu thang, hóa vàng mã không đúng nơi quy định, đổ than, tro vào ống thu rác, tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn.

Thực tế, việc lắp cửa sắt khóa trái hành lang thoát nạn; hóa vàng mã trong buồng thang; tận dụng buồng kỹ thuật điện làm kho chứa hàng… là những vi phạm PCCC phổ biển tại nhiều chung cư, tòa nhà văn phòng trên địa bàn Hà Nội hiện nay. Và cuộc khảo sát của chúng tôi tiếp tục nhắm đến là những chung cư tư nhân (mini). “Mọc” lên rải rác ở nhiều khu vực trên địa bàn Thủ đô, nhưng tập trung nhiều ở quận Đống Đa, Cầu Giấy… với mỗi khối nhà chung cư mini có tới hàng chục hộ lên đến cả trăm nhân khẩu. Nhưng không ít chung cư mini khi xây dựng, bán, và đưa vào sử dụng hoàn toàn “trắng” thiết bị PCCC. Chưa kể đa phần chung cư mini nằm trong ngõ nhỏ, sâu, xe chữa cháy, xe thang không thể tiếp cận khi hoả hoạn, người dân thì thoải mái cơi-nới-thêm những “chuồng cọp” kiên cố đồng nghĩa với việc đóng sập lối thoát nạn gần như duy nhất của chính gia đình mình nếu như hỏa hoạn xảy ra…

Nguyên nhân hàng loạt vụ cháy nổ xảy ra liên tiếp gây nhiều hậu quả đáng tiếc phần lớn do ý thức của người dân cũng như của người lao động còn rất chủ quan, lơ là trong công tác PCCC; đặc biệt việc phát hiện cháy, cũng như báo cháy cho lực lượng PCCC còn chậm. Nhưng có một kết luận dù không truy nguyên đến tận cùng nguyên nhân thì ai cũng thấy cháy nổ không tự nhiên xảy ra nếu không có sự tác động của con người. Sự khác nhau chỉ ở chỗ con người tác động bằng cách này hay cách khác mà thôi. Có thể là chập điện, phóng hỏa, do tia lửa hàn bắn ra, tàn thuốc lá để lại, đốt một nén hương bất cẩn… đều có thể gây nên cháy nổ - đó là sự thiếu ý thức của con người. Và cũng có lẽ bởi lâu nay, chúng ta còn coi nhẹ việc này cho nên cháy nổ mới liên tiếp xảy ra gây thiệt hại đơn thiệt hại kép và những người trong cuộc thì vẫn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Nguyên nhân để xảy ra cháy thì có rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chủ chốt là do con người. Đơn cử như vụ cháy ở Khu công nghiệp Quang Minh, cả cơ sở sản xuất hàng nghìn con người, chỉ cần một người vô ý thức, một tàn thuốc hay chỉ một hành động bất cẩn có thể khiến hàng loạt ngôi nhà bị cháy rụi. Chính vì vậy, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất, là điều kiện trước tiên để hạn chế tối đa những sự cố đáng tiếc liên quan đến hỏa hoạn…

“Nhất thủy, nhì hỏa” đã đủ để chứng minh hết sức hủy diệt “bà hỏa”; và để giảm thiệt hại do thảm họa lửa, rõ ràng phòng là quan trọng nhất. Nhưng muốn phòng thì yếu tố tiên quyết chính là ý thức của mỗi người dân bởi nguy cơ cháy từ trong ý thức mà ra. Theo báo cáo của Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội, tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, số người tử vọng. Điều đáng nói là cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được “thuốc đặc trị” để kiềm chế cháy, nổ, trong khi chính đối tượng chịu thiệt hại do cháy nổ lại không mấy quan tâm... đến an toàn cháy nổ nên chưa có ý thức phòng cháy, phát hiện, cảnh báo và khắc phục nguy cơ cháy. Đó là nguyên nhân khiến nguy cơ cháy lúc nào cũng thường trực, thiệt hại do cháy rất khó lường... Chỉ đến khi xảy cháy mới nghĩ đến việc phòng cháy thì quá muộn.