Báo động nạn tự tử và bạo hành trẻ em

(ANTĐ) - Theo các số liệu thống kê được báo cáo tại Hội nghị châu á Thái Bình Dương lần thứ 2 về phòng chống tai nạn thương tích, đang diễn ra tại Hà Nội, trong 3 năm 2005-2007, trung bình mỗi năm ở nước ta có 475 trường hợp tử vong do tự tử và 114 trường hợp tử vong trẻ em do bạo hành. Bên lề hội nghị, bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) đã trả lời báo chí về vấn đề này.

Báo động nạn tự tử và bạo hành trẻ em

(ANTĐ) - Theo các số liệu thống kê được báo cáo tại Hội nghị châu á Thái Bình Dương lần thứ 2 về phòng chống tai nạn thương tích, đang diễn ra tại Hà Nội, trong 3 năm 2005-2007, trung bình mỗi năm ở nước ta có 475 trường hợp tử vong do tự tử và 114 trường hợp tử vong trẻ em do bạo hành. Bên lề hội nghị, bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) đã trả lời báo chí về vấn đề này.

Trẻ em luôn cần được yêu thương, chăm sóc để phát triển toàn diện (Ảnh minh họa)
Trẻ em luôn cần được yêu thương, chăm sóc để phát triển toàn diện (Ảnh minh họa)

- PV: Theo các số liệu thống kê, số ca tử vong do tự tử ở nước ta đang gia tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Thống kê của ngành y tế cho thấy, tỷ lệ tử vong do tự tử và bạo hành trẻ em chiếm đến 9 - 10% trong tổng số các ca tử vong do tai nạn thương tích, chỉ đứng sau tai nạn giao thông và đuối nước.

Nguyên nhân gia tăng hiện tượng tự tử có thể lý giải qua một số lý do như: Với người lớn, áp lực của cuộc sống, công việc quá lớn khiến tinh thần quá căng thẳng, thần kinh không minh mẫn hoặc đôi khi là bế tắc; thanh niên có thể do thất tình, công việc không suôn sẻ, phá sản; trẻ em bị áp lực học hành, tình cảm quá lớn cũng như ức chế do bị người lớn bạo hành, bao gồm cả bạo hành về thể xác lẫn tinh thần...

Hiện tại, ở các nước trong khu vực và trên thế giới, vấn đề tự tử trẻ em, vị thành niên rất đáng báo động. ở nước ta, vào năm 2006, ủy ban DS-GĐ&TE phối hợp với UNICEF đã có một nghiên cứu nhỏ về vấn đề tự tử tại 3 tỉnh, đại diện cho 3 miền. Song vẫn cần có một nghiên cứu tổng thể mới có thể có được những số liệu có tính hệ thống để cảnh báo trong cả nước.

Dù vậy, các vấn đề có thể nhìn thấy ngay được như trẻ em bị bạo lực, mắng mỏ, ngược đãi, lạm dụng rất phổ biến... Chính sự ngược đãi, lạm dụng này khiến trẻ bị rối nhiễu tâm lý, bị rối loạn sức khỏe tâm thần, và từ rối loạn sức khỏe tâm thần sẽ dẫn đến các nguy cơ tự thương, tự tử, vi phạm pháp luật, nghiện hút, rối loạn xã hội...

- PV: Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa tin về những ca bạo hành, xâm hại trẻ em một cách rất dã man. Có phải thực trạng này đang ngày càng phổ biến hơn, thưa ông?

- Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Chúng ta chưa có điều tra tổng thể nào để so sánh, do đó không thể khẳng định rằng, ngày nay trẻ em bị xâm hại nhiều hơn trước kia. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê tổng hợp từ đường dây nóng của Cục Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em cho thấy, sự xâm hại và bạo lực đối với trẻ em trong gia đình tăng gấp 3 lần; tại cộng đồng tăng 7 lần và trong trường học tăng 13 lần so với chục năm về trước...

Những địa phương xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em nhất gồm: Hà Nội, Đồng Nai, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bắc Giang... Kết quả khảo sát tại 5 tỉnh, thành phố của ủy ban DS-GD&TE (trước đây) cũng cho thấy, 58,3% trẻ được phỏng vấn trả lời đã bị người lớn dùng các biện pháp quát mắng, chửi, sỉ nhục, tát, phát vào mông, phạt úp mặt vào tường... khi các em mắc lỗi.

Đáng lo ngại nhất là nhận thức của nhiều người làm cha, làm mẹ, của thầy cô giáo và của chính trẻ em - đối tượng bị xâm hại về vấn đề này chưa đầy đủ. Vẫn xảy ra tình trạng thầy, cô giáo đánh học sinh, cha mẹ chửi, mắng hoặc đánh đập con cái mà không biết rằng đó là hành vi xâm hại, đó là vi phạm quyền trẻ em.

- PV: Vậy, để hạn chế được tỷ lệ tử vong do tự tử và bạo hành trẻ em, theo ông cần phải có những giải pháp gì?

- Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Công tác bảo vệ trẻ em được chia làm 3 cấp độ: Tuyên truyền, phòng ngừa, can thiệp và dịch vụ hỗ trợ. Các cộng tác viên tại địa phương cần phát hiện ra các trường hợp điển hình (gia đình có kinh tế khó khăn, bố mẹ bỏ nhau...) để có những can thiệp kịp thời.

Việc phòng ngừa có thể giảm được 80% nguy cơ xảy ra xâm hại trẻ em. ở nước ta chưa có người chuyên trách làm công tác này nhưng trước kia có các cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em. Họ là người địa phương nên nắm chắc hoàn cảnh mỗi nhà do đó có thể tư vấn cho gia đình, phối hợp với Hội Phụ nữ, đoàn Thanh niên, chính quyền địa phương về biện pháp phòng ngừa cũng như can thiệp...

Về việc tự tử, cần phải có một nghiên cứu tổng thể trong cả nước để đưa ra được những cảnh báo và biện pháp phòng chống hiệu quả.

Duy Tiến (Thực hiện)