Báo động "đỏ" về tình trạng đuối nước trẻ em

ANTĐ - Tình trạng trẻ em bị đuối nước trong dịp hè khiến các bậc phụ huynh không khỏi đau lòng và cơ quan chức năng dường như bế tắc với những biện pháp đối phó. Theo thống kê từ cơ quan chức năng, từ tháng 4 đến nay đã xảy ra 29 vụ đuối nước làm 33 trẻ em thiệt mạng. Đáng chú ý, số trẻ em đuối nước chủ yếu trong độ tuổi từ 5 - 16.

Báo động "đỏ" về tình trạng đuối nước trẻ em ảnh 1Hồ Tây vào buổi chiều đã trở thành “bể bơi” khổng lồ

Không biết bơi cũng tắm sông, hồ

Cứ vào đầu giờ chiều hàng ngày tại những khúc sông Hồng đoạn chảy qua địa phận phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội lại tấp nập bởi có rất nhiều trẻ lao xuống sông vùng vẫy bơi lội, lặn ngụp dưới làn nước cuồn cuộn chảy xiết mà không có bất cứ sự giám sát nào của người lớn. Bọn trẻ ngụp lặn, luồn lách khắp nơi, chui qua cả những mạn tàu đỗ tại đây. Thậm chí, chúng còn túm năm, tụm ba ôm nhau nhảy tự do từ trên bờ xuống nước. Nhiều đám trẻ còn cầm tay, chân những bạn không biết bơi quẳng ra dòng nước để xem cảnh chới với dưới dòng nước… rồi bơi ra cứu. 

Chị Nguyễn Thu Thúy, ở phố Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai bày tỏ: “Thời tiết nóng nực quá, nên cũng muốn cho trẻ con ra đây nghịch nước một chút cho dễ chịu. Mình biết nguy hiểm, nhưng mùa hè bọn trẻ chả biết chơi ở đâu, đi đâu cũng cảm thấy bất an cả”. Thực tế, không phải cha mẹ nào cũng có thời gian đưa con em đi bơi ở sông như gia đình nhà chị Thúy và cũng không phải trẻ nào cũng biết bơi và có  nhiều trẻ ra sông chỉ để vầy nước, học bơi… 

Qua tìm hiểu, phóng viên ANTĐ được biết nhiều cái chết đau lòng xảy ra. Chỉ trong chiều 15-7 đã xảy ra 3 vụ đuối nước, khiến 4 nạn nhân tử vong tại huyện Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây. Trong 4 trẻ đuối nước, nạn nhân lớn tuổi nhất chỉ 16 tuổi, ít tuổi nhất mới lên 4. Tương tự, vụ đuối nước xảy ra vào ngày 17-7, tại xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã khiến 2 học sinh lớp 6 tử vong.

Bà Nguyễn Thị Phúc (72 tuổi, trú tại thôn Hồng, xã Xuân Thu) buồn bã nói: “Tôi biết rõ chỗ này nguy hiểm lắm, nên thường bảo lũ trẻ đừng xuống tắm nhưng không đứa nào chịu nghe. Đoạn sông Cà Lồ này bị tàu thuyền hay hút cát trộm, dòng nước chỗ bọn trẻ hay tắm chảy xiết lắm, ném khúc gỗ xuống là bị cuốn trôi tức khắc. Chiều hôm đó, chúng nó nhao nhao bơi rồi thấy 2 thằng chạy lên khóc lóc bảo bạn bị chìm dưới lòng sông mãi không thấy nổi. Mọi người hò nhau mò tìm mãi, đến hôm sau mới thấy xác các cháu bị đuối nước ở cách đó mấy cây số”.

Biết bơi vẫn... bị đuối nước

Ông Nguyễn Văn Thịnh, dân làng chài nuôi cá lồng trên sông Hồng, đoạn thuộc phường Lĩnh Nam cảnh báo: “Dù mới biết bơi hoặc bơi giỏi, nhưng nếu không có kinh nghiệm sông nước vẫn dễ bị đuối nước. Như chúng tôi, ngày nào cũng bơi hàng cây số nhưng trước khi bơi đều phải khởi động rất kỹ. Hơn nữa, nếu nhiệt độ chênh lệch giữa trên bờ và dưới nước thì phải ngâm chân tay, cho ướt người và gáy, trán làm quen với môi trường nước khoảng chục phút mới xuống. Nếu không làm như vậy dễ bị cảm, hoặc chuột rút sẽ dẫn đến đuối nước ngay”. 

Hiện nay, hầu hết sông hồ tại Hà Nội, vào những ngày nắng nóng thường rất đông trẻ em và người lớn bơi, tắm. Hồ Tây, hồ Linh Đàm, sông Hồng… đều đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm cấm tắm, nhưng chẳng mấy ai chú ý.

Trong khi đó, kỹ năng tiếp xúc với nước không phải bố mẹ và em nhỏ nào cũng biết. Nguy hiểm hơn, dòng sông con nước thay đổi dòng liên tục, người lớn chỉ lơ là trong tích tắc là có thể hậu quả xấu xảy ra. Thiếu tá Nguyễn Minh Thành, Đội trưởng Đội cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát PCCC số 2, Cảnh sát PCCC - TP Hà Nội cho biết: “Đối với dòng nước lớn như sông Hồng, kể cả khi mặc áo phao vẫn nguy hiểm bởi dòng hải lưu không ổn định. Trong trường hợp cứu hộ, cứu nạn trên dòng nước, ngoài việc mặc áo phao còn phải đeo thiết bị dây neo vào người mới an toàn được”.

“Khi phát hiện người bị đuối nước, cần ném phao xuống vị trí đó hoặc dùng sào để nạn nhân bám tay vào đó. Trong trường hợp đang bơi cùng nhiều người dưới nước, một nạn nhân không may bị đuối nước thì cần tóm vào tóc kéo lên, nếu tóm vào tay chân sẽ dẫn đến việc hoảng loạn dìm lẫn nhau và hậu quả càng lớn” - Thiếu tá Nguyễn Minh Thành chia sẻ. Ông Vũ Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam cho biết: “Đại diện UBND phường thường xuyên nhắc nhở các phụ huynh học sinh quản lý con em mình, không cho các em bơi lội tại sông, hồ. Vào mỗi dịp đầu mùa hè, chúng tôi đều ra quân nhắc nhở, tuyên truyền cảnh báo sự nguy hiểm trong việc tắm hồ, sông. Tại những khúc sông trên địa bàn đều đã được cắm biển cảnh báo nguy hiểm”.

Theo Thiếu tá Tạ Hoàng Thủy, Phó Trưởng Công an phường Lĩnh Nam, ngoài việc tuyên truyền, cảnh báo nguy hiểm khi bơi lội ở sông, đơn vị luôn có kế hoạch làm việc với các nhà trường tại địa bàn để có những biện pháp phòng, chống đuối nước với các em. Khuyến khích các em đi học bơi tại nơi có huấn luyện viên để nâng cao kỹ năng ứng phó khi gặp sự cố dưới nước. Điều quan trọng nhất là gia đình phải giám sát được con em mình và giáo dục trẻ nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm khi bơi lội ở sông, hồ ao.