Báo chí đóng góp vào sự chuyển biến nhận thức của người Việt

ANTD.VN - Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, dù còn tồn tại nhiều vấn đề, song không thể phủ nhận vai trò của báo chí trong xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử của người Việt. Tuy nhiên, nếu báo chí nước nhà chỉ dừng lại ở việc phản ánh cái xấu là chưa đủ, mà còn phải phân tích, lý giải nó. Và trên hết, báo chí phải thể hiện được cái chuẩn của riêng mình. Đây là một ý kiến rất đáng chú ý tại Hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử” diễn ra ngày 16-3 tại Hà Nội do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. 

Báo chí đóng góp vào sự chuyển biến nhận thức của người Việt ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chỉ cần thay đổi được một thói quen trong ứng xử như việc chen lấn của người Việt, giao thông của Việt Nam đã khác. Đó là mặt tích cực không thể đo đếm của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử” 

Báo chí có công phát hiện ra cái xấu, thứ lệch chuẩn

Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, trước những tồn tại của báo chí, nhiều người đã trách các nhà báo viết bài giật gân, câu khách nhiều quá. Nhưng thực ra, điều này có thể thông cảm được. Bởi thế nào là chuẩn mực văn hóa ứng xử đến nay vẫn chưa được ra đời, các nhà báo lấy đâu ra căn cứ để bám vào. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần xây dựng chuẩn mực văn hóa của con người Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cũng cho rằng, xét ở góc độ xã hội, báo chí đã có công khi phát hiện ra cái xấu. Không có báo chí lên tiếng, bạn đọc làm sao biết được ở đâu đó trong xã hội đã xuất hiện những thứ lệch chuẩn. Tuy nhiên, cái khó ở đây chính là việc không nên dừng lại ở phản ánh mà phải tiếp tục đi sâu vào phân tích và đưa ra khuyến nghị để người đọc hiểu và tránh xa. 

Đồng quan điểm này với Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, những năm gần đây, tình trạng văn hóa xuống cấp, trong đó có văn hóa ứng xử nhiều khi đến mức báo động, đã được báo chí thông tin kịp thời, phân tích, cảnh báo. Với sức mạnh công khai, rộng khắp, tác động nhanh và mạnh, báo chí đã góp phần đắc lực vào việc phát hiện, phản ánh những bất cập trong văn hóa, góp phần xây dựng những chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp hơn. 

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nhà báo Hồ Quang Lợi còn nhận thấy tình trạng cơ quan báo chí, nhà báo thiếu quan tâm, gương mẫu đến văn hóa ứng xử, chuẩn mực văn hóa ứng xử, thậm chí vi phạm các quy tắc, quy định về văn hóa ứng xử, vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến thanh danh, uy tín cá nhân, tổ chức, cộng đồng… Mặt khác, trong xây dựng văn hóa ứng xử, báo chí nhiều khi chưa có những cách tiếp cận, tác động hợp lý, hiệu quả trong việc điều chỉnh nhận thức, hành vi cộng đồng. 

Vai trò tích cực của báo chí tạo dựng môi trường thông tin lành mạnh

Nhà báo Lê Thư (Báo Người đại biểu) đã cung cấp những con số rất đáng quan tâm. Năm 2018, theo thống kê của We Are Social (Công ty toàn cầu chuyên tư vấn và nghiên cứu truyền thông xã hội) thì Việt Nam có 55 triệu người sử dụng mạng xã hội - đứng thứ 7 trên thế giới. Tuy nhiên, một khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội cho thấy, trên mạng xã hội, tỷ lệ thông tin nói xấu, phỉ báng chiếm 61,7%; thông tin vu khống, bịa đặt chiếm 46,6%; kỳ thị dân tộc 37,1%: kỳ thị giới tính 29,03%; kỳ thị khuyết tật 21,76%; kỳ thị tôn giáo 15,09%... Từ những con số này, nhà báo Lê Thư cho rằng, việc tạo dựng một môi trường thông tin mạng lành mạnh là rất cần thiết và khẳng định vai trò của báo chí. 

Nhà báo Lê Thư đề xuất giải pháp, báo chí có thể phát huy vai trò của mình bằng cách lan tỏa những thông tin, hình ảnh tốt đẹp về các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc, hướng tới thông điệp nhân văn, xây dựng văn hóa ứng xử giữa con người. Báo chí cần đăng tải thông tin mang tính chất cảnh báo về hậu quả cũng như đưa ra những giải pháp cụ thể. Ví dụ như thông tin về quy định liên quan đến hành vi ứng xử trên môi trường mạng, để từ đó giúp cộng đồng nhận thức, loại bỏ những hành vi thiếu văn hóa trong quá trình tham gia. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, thói quen hay hành vi xấu trong ứng xử của người Việt như chen lấn, không chịu xếp hàng, nói to, ồn ào tại các nơi linh thiêng, các nơi công cộng, lãng phí, không thực hành tiết kiệm... không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Và báo chí đóng vai trò tích cực vào sự chuyển biến trong nhận thức của người Việt. Để làm được điều này, báo chí buộc phải kiên trì và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, các ngành, các đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, việc động viên, khuyến khích các bài viết làm thay đổi hành vi ứng xử của văn hóa bằng các giải thưởng, các phần thưởng thiết thực là rất cần thiết. 

Báo chí đóng góp vào sự chuyển biến nhận thức của người Việt ảnh 2

“Xét ở góc độ xã hội, báo chí đã có công khi phát hiện ra cái xấu. Không có báo chí lên tiếng, bạn đọc làm sao biết được ở đâu đó trong xã hội đã xuất hiện những thứ lệch chuẩn. Tuy nhiên, cái khó ở đây chính là việc không nên dừng lại ở phản ánh mà phải tiếp tục đi sâu vào phân tích và đưa ra khuyến nghị để người đọc hiểu và tránh xa”.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức (Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội)

Báo chí đóng góp vào sự chuyển biến nhận thức của người Việt ảnh 3

“Tình trạng văn hóa xuống cấp, trong đó có văn hóa ứng xử nhiều khi đến mức báo động, đã được báo chí thông tin kịp thời, phân tích, cảnh báo. Với sức mạnh công khai, rộng khắp, tác động nhanh và mạnh, báo chí đã góp phần đắc lực vào việc phát hiện, phản ánh những bất cập trong văn hóa, góp phần xây dựng những chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp hơn”.

Nhà báo Hồ Quang Lợi (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam)

Phải phân tích hành vi trên góc độ văn hóa để đưa ra khuyến nghị về ứng xử

Báo chí đóng góp vào sự chuyển biến nhận thức của người Việt ảnh 4Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ vui mừng vì có đông đảo các chuyên gia, nhà báo đã có mặt tại buổi Hội thảo này, cho thấy vấn đề văn hóa luôn là vấn đề được quan tâm. Văn hóa là một phạm trù rất rộng, song Phó Thủ tướng cho rằng: Văn hóa là nền tảng, là động lực để phát triển xã hội. Trong đó, báo chí cũng là một phần của văn hóa. Mỗi một sản phẩm báo chí là một sản phẩm của văn hóa; mỗi nhà báo là một chiến sĩ văn hóa trên mặt trận tư tưởng. Văn hóa ứng xử là những hành vi, việc làm, thái độ, lời nói của người với người, khái quát thì đó sẽ là hành vi của cả một cộng đồng. Vì thế, văn hóa ứng xử của con người sẽ thể hiện văn hóa của dân tộc. “Một dân tộc có nền kinh tế phát triển cũng đáng được ca tụng, nhưng sẽ vinh dự, tự hào hơn nếu dân tộc đó được ca ngợi là một dân tộc có văn hóa” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. 

Nói về đặc điểm văn hóa, phẩm chất của người Việt Nam, Phó Thủ tướng nhắc về những điều Bác Hồ viết và trong các văn kiện của Đảng. Trong đó, người Việt Nam có phẩm chất anh hùng, đoàn kết, hăng hái, cần cù, lương thiện, tự trọng… những phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí, công vô tư” là những điều Bác Hồ dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải hướng tới. Trong giáo dục, có 5 phẩm chất cần để học sinh hướng tới, đó là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Song, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong ứng xử văn hóa của người Việt Nam. Đó là còn tình trạng chen lấn, lãng phí, không có ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, ồn ào, trễ giờ… Vì thế, không chỉ truyền thông, mà cần tất cả các nguồn lực trong xã hội tạo chuyển biến tích cực trong văn hóa xếp hàng, hạn chế việc xả rác bừa bãi của một bộ phận người dân là đã giúp xã hội tốt lên rất nhiều. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Báo chí có vai trò không những phản ánh mà cần tạo sự chuyển biến nhận thức của cộng đồng xây dựng đời sống văn hóa. Báo chí định hướng dư luận xã hội, thay đổi hành vi cộng đồng bằng cách nêu nhiều gương tốt, phê phán cái xấu. Phải làm sao để báo chí thấm sâu vào quần chúng, làm sao để văn hóa thấm sâu vào tâm lý của quốc dân. Để làm được điều đó, báo chí không chỉ đưa tin phản ánh, mà phải phân tích hành vi đó xét trên góc độ văn hóa, từ đó đưa ra khuyến nghị về ứng xử. Vì thế, không chỉ cần nhà báo mà còn cần những chuyên gia nghiên cứu về văn hóa cùng với nhà báo viết lên những tác phẩm đi vào lòng người. Cùng với đó, cần có cơ chế khuyến khích, động viên các bài viết có đóng góp để làm thay đổi hành vi văn hóa hướng tới chuẩn mực. Phó Thủ tướng kêu gọi các cơ quan báo chí tiếp tục hình thành, triển khai các chuyên mục, tăng lượng bài viết về ứng xử văn hóa nhằm lan tỏa những hành động đẹp, hành động văn hóa. Chỉ có chú trọng phát triển chuẩn mực văn hóa thì mới góp phần tạo sự phát triển bền vững của đất nước.