Báo chí châu Âu chú ý đến chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

ANTĐ - Sáng 19-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ, Liên minh châu Âu, Cộng hòa LB Đức, tham dự Hội nghị ASEM 10 và thăm Tòa thánh Vatican từ ngày 12-10. Nhân dịp này, rất nhiều tờ báo hàng đầu châu Âu đã đồng loạt đăng tải những bài viết rất đáng chú ý về chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Báo chí châu Âu chú ý đến chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ảnh 1

Trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với hãng Deutsche Welle (DW), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập đến vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chúng tôi kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Chính sách nhất quán của Việt Nam là không liên minh với nước này để chống phá nước khác. Chúng tôi kiên định đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời luôn chân thành bày tỏ thiện chí cùng các nước xây dựng lòng tin chiến lược, bền vững, lâu dài, trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế”. 

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Biển Đông là nơi có tuyến hàng hải quốc tế, với khoảng 50% hàng hóa vận chuyển đường biển toàn cầu mà phần lớn là lưu chuyển hàng hóa giữa châu Âu và Đông Á. Vì vậy, nếu để xảy ra bất ổn, căng thẳng sẽ tác động tiêu cực không chỉ đối với các nước trong khu vực mà đối với toàn bộ thế giới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, đó cũng là lý do EU cũng như Đức và các nước khác trên thế giới cần phải hợp tác nhằm đảm bảo hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông. 

Bên cạnh DW, tờ ASEANToday tiếng Đức ngày 15-10 cũng đăng tải một bài viết đánh giá về  phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Viện Körbe “Việt Nam: Quan điểm về Tự do và Dân chủ”. Nội dung của bài viết có đoạn, trong khuôn khổ chuyến thăm 2 ngày tại CHLB Đức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập đến các nguyên tắc nhân quyền, tự do, dân chủ và sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tại Viện Körbe. Liên quan đến vấn đề Biển Đông, bài báo dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam kêu gọi các quốc gia có liên quan đảm bảo ổn định, hòa bình, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Thủ tướng cũng cảm ơn Chính phủ CHLB Đức về những đóng góp tích cực của Đức vào hòa bình và ổn định trong khu vực. 

Trên trang blog phóng viên của Le Monde (Pháp) ngày 16-10 cũng có bài viết liên quan đến chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có tựa đề “Việt Nam: Tăng cường quan hệ ngoại giao với Liên minh châu Âu”.  Theo đó, từ ngày 12-10, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã có chuyến thăm châu Âu, đi cùng có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; người vừa kết thúc chuyến thăm đến Mỹ, gặp người đồng cấp John Kerry và thống nhất về việc quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam; trong đó có các thiết bị quân sự bao gồm máy bay giám sát, hệ thống chống tàu ngầm giúp nâng cao khả năng bảo vệ bờ biển của Việt Nam. Tuy nhiên, vũ khí chỉ là một phần nổi của tảng băng trôi, vấn đề thực tế còn là việc không ngừng cải thiện mối quan hệ chiến lược Việt – Mỹ. 

Về việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc hội đàm với quan chức Liên minh châu Âu và các quan chức Bỉ, phóng viên của Le Monde cho rằng, điều này thể hiện tầm quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đồng thời mục đích của Việt Nam là rõ ràng: Việt Nam muốn mở rộng thị trường để phục vụ tăng trưởng và không phải quá phụ thuộc vào một thị trường nhất định. 

Ngoài ra, trên trang Sudestasiatico.com của Italy ngày 16-10 cũng đăng tải bài viết “Italy và Việt Nam: giữa triển vọng và những cơ hội bị bỏ lỡ”. Bài viết có đoạn, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tới Italy để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu (ASEM 10) đồng thời có buổi hội đàm ngắn với Thủ tướng nước chủ nhà Metteo Renzi (vừa đến thăm Việt Nam vào tháng 6, là Thủ tướng đầu tiên của Italy đến thăm Việt Nam). Cũng giống như lần trước, mục tiêu chiến lược giữa hai nước vẫn không thay đổi: nâng mức kim ngạch thương mại song phương đạt 5 tỷ USD trong năm 2015, so với 3,5 tỷ USD trong năm 2013. “Mọi người có ấn tượng rằng chúng ta đang tụt lại phía sau, không nắm bắt, khai thác hết tiềm năng ở thời điểm có nhiều cơ hội”, bài báo nêu vấn đề, đồng thời lạc quan rằng: Khi các rào cản thuế quan nội khối của cộng đồng kinh tế ASEAN được bãi bỏ, các sản phẩm sản xuất bởi hai nhà máy của hãng Piagio, Italy tại Việt Nam có thể chạy trên đường phố của các nước ASEAN khác như Brunei, Campuchia, Philippines, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore và Thái Lan.

Giáo hoàng bày tỏ sự cảm phục đối với dân tộc Việt Nam 

Nhận lời mời của Giáo hoàng, ngày 18-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thăm Tòa thánh Vatican, hội kiến với Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Tòa thánh Pietro Parolin. 

Giáo hoàng Francis hoan nghênh chuyến thăm của Thủ tướng  Nguyễn Tấn Dũng, cho đây là dịp rất tốt để hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau, qua đó thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh; bày tỏ sự cảm phục đối với dân tộc Việt Nam và đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và đời sống mọi mặt của người dân ngày càng được cải thiện; hoan nghênh việc thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đạt nhiều kết quả và việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc; bày tỏ vui mừng trước các hoạt động ngày càng sôi động của Công giáo Việt Nam như các hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam và việc tổ chức những ngày lễ trọng của Công giáo; cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ và chính quyền các cấp của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Đặc phái viên không thường trú Tòa thánh tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Tòa thánh, đồng thời thực hiện nhất quán và không ngừng hoàn thiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của người dân; ủng hộ Giáo hội và đồng bào Công giáo Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. 

Cuộc gặp đã diễn ra trong bầu không khí chân thành, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau. Hai bên thống nhất tích cực duy trì đối thoại, tiếp xúc để tăng cường quan hệ tốt đẹp và hướng dẫn Giáo hội cùng cộng đồng Công giáo Việt Nam thực hiện tốt các huấn từ và sứ điệp của Giáo hoàng.