Báo An ninh Thủ đô nhận lá cờ Tổ quốc từ quần đảo Trường Sa

ANTD.VN - Trải qua một hành trình dài, lá cờ Tổ quốc bạc màu và sờn rách vì nắng gió, cùng chữ ký của các chiến sĩ trên đảo Thuyền Chài và Đá Đông (quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) đã hiện diện ở tòa soạn Báo An ninh Thủ đô, từ tay Thiếu úy hải quân Vũ Văn Phong, như một món quà  có ý nghĩa đặc biệt đối với Báo nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 40.

Những lá cờ đỏ sao vàng được chiến sĩ, đồng bào ở đảo Trường Sa trân trọng như một phần máu thịt - Ảnh: MAI THANH  HẢI

Thiêng liêng lá cờ Tổ quốc nơi đầu sóng

Cũng như ở bất cứ đâu trên dải đất hình chữ S, ở quần đảo Trường Sa, những lá cờ đỏ sao vàng được chiến sĩ, đồng bào trân trọng như một phần máu thịt của đất nước. Bởi hơn bất cứ điều gì, hình ảnh những lá cờ Tổ quốc tung bay giữa muôn trùng sóng gió, là biểu trưng bất tử khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc.

Những đoàn công tác từ đất liền ra Trường Sa thường xin lại những lá cờ bạc nắng gió để làm kỷ niệm, nhưng không phải ai cũng có may mắn sở hữu, nhất là những lá cờ được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo ký tên, đóng dấu và cất giữ cẩn thận như một báu vật.

Chính vì thế, những lá cờ thiêng liêng đã bạc, sờn vì nắng gió và muối mặn biển khơi, được Thiếu úy Vũ Văn Phong nâng niu, gói ghém cẩn thận, trải qua hành trình dài từ Trường Sa về tới Hà Nội chiều 15-8-2016, để tặng cho cán bộ, chiến sĩ Báo An ninh Thủ đô đúng vào ngày kỷ niệm 40 năm xuất bản số đầu tiên, có một ý nghĩa rất đặc biệt.

Đó không chỉ là tình cảm, là trách nhiệm của những người lính nơi đảo xa, mà còn là minh chứng chân thực, sống động nhất cho tình yêu nước lớn lao của mỗi người con Việt Nam.

Lá cờ Tổ quốc có chữ ký của nhiều cán bộ chiến sỹ trên đảo

Trao tặng những lá cờ Tổ quốc cho Báo ANTĐ, Thiếu úy Vũ Văn Phong xúc động nói: “Chúng tôi, những người lính công tác nơi đảo xa với nhiệm vụ giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc luôn mong muốn những người trẻ tuổi ngày hôm nay sẽ hiểu hơn, cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của màu cờ Tổ quốc trên vùng biển trời của đất nước”.

Thay mặt cán bộ, chiến sĩ Báo ANTĐ, Thiếu tá Lưu Hồng Quân - Phó TBT đã trân trọng nhận những lá cờ thiêng liêng từ Thiếu úy Vũ Văn Phong và hứa sẽ luôn gìn giữ những lá cờ ấy như kỷ vật, song hành cùng sự phát triển của tờ báo. 

Thiếu tá Lưu Hồng Quân - Phó TBT Báo An ninh Thủ đô trân trọng nhận lá cờ Tổ quốc ở Trường Sa từ Thiếu úy Vũ Văn Phong

Sau nhiệm vụ, là nghĩa vụ với gia đình

Đã hơn 2 năm kể từ lần cuối cùng Thiếu úy Vũ Văn Phong có mặt ở đất liền. Trong suốt quãng thời gian ấy, chàng trai sinh năm 1989 này da đen sạm, nhưng nắng gió của những ngày chắc tay súng nơi địa đầu Tổ quốc khiến anh rắn rỏi hơn. Vũ Văn Phong trưởng thành hơn nhờ tháng ngày thử thách và cả những nỗi đau mà anh đã phải dồn nén lại trong lòng, vì nhiệm vụ với quê hương.

Giữa năm 2014, Phong nhận nhiệm vụ ra công tác ở đảo Thuyền Chài (quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Trong lòng của người chiến sĩ trẻ lúc bấy giờ, được phụng sự Tổ quốc chính là lẽ sống của cuộc đời anh. Nhưng hung tin đến với Phong chỉ mấy tháng sau khi anh ra đảo công tác. Từ quê nhà, người thân thông báo rằng cha của Phong đột ngột qua đời vì tai biến. Trong nỗi đau tột cùng, anh được cấp trên cho phép về quê để chịu tang cha. 

Những giọt nước mắt của ngày đoàn tụ khi Thiếu úy Vũ Văn Phong trở về nhà, gặp mẹ

Thế nhưng, để có thể về nhà từ thời điểm đó, sẽ phải mất nhiều ngày lênh đênh trên biển. Gạt nước mắt, Vũ Văn Phong xin phép cấp trên để anh được ở lại tiếp tục nhiệm vụ, vì nếu trở về thì cũng đã quá muộn. Phong nén nỗi đau lại trong lòng, lập ban thờ cha từ nơi đảo xa, mong ông thứ lỗi vì đã không thể có mặt. Sự mất mát ấy càng khiến anh quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ hơn trong những tháng ngày còn lại của đợt làm nhiệm vụ.

Ngày Vũ Văn Phong trở về căn nhà nhỏ ở xã Nghĩa An, Nam Trực, Nam Định, cũng là ngày mà mẹ anh khóc hết nước mắt. Đó là những giọt nước mắt của một người vợ mất chồng, của người mẹ có con đi đằng đẵng… đã phải một mình làm trụ cột gia đình trong suốt gần 2 năm qua. Gặp lại đứa con lớn, bà Trần Thị Giang nức nở ôm chặt Phong vào lòng.

Người chiến sĩ trẻ cũng không thể cầm nổi nước mắt. Việc đầu tiên anh làm khi bước vào căn nhà thân yêu, là thắp cho cha mình nén hương, rồi ra mộ và báo với cha rằng anh đã về rồi.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Giang ngậm ngùi: “Tôi từng nghĩ rằng mình chỉ có mỗi một người con trai duy nhất, cũng không muốn cho nó đi xa. Nhưng rồi cháu xung phong ra đảo để làm nhiệm vụ, tôi lại đành lòng. Khi Phong công tác ngoài ấy, cùng thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam, tôi lại lo lắng mất ăn mất ngủ. Mỗi lần nghe những bài hát về Trường Sa, tôi không cầm được nước mắt vì nhớ con. Khi bố của Phong đột ngột qua đời, cháu không thể về được vì đang làm nghĩa vụ với Tổ quốc. Phong về chịu tang cha sau gần 2 năm, nhưng tôi nghĩ rằng, ở nơi xa, ông ấy chắc sẽ hiểu và mỉm cười tự hào trước sự trưởng thành của đứa con trai mình, với những tháng ngày phụng sự cho đất nước”.