Bàn về đặt tên đường Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông ở Hà Nội

ANTĐ - Giới nghiên cứu khoa học, lịch sử đã đưa ra những bằng chứng làm sáng tỏ những đóng góp của vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử đất nước khi Sở VH-TT&DL đề xuất đặt tên 2 tuyến phố ở Hà Nội theo tên 2 vị vua Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông. 
Bàn về đặt tên đường Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông ở Hà Nội ảnh 1

Dấu tích thành nhà Mạc ở Lạng Sơn  

                                                                                                        

Hai lần đề xuất

Sở VH-TT&DL Hà Nội đã đề xuất lên UBND thành phố đặt tên Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông cho 2 tuyến phố mới thuộc quận Cầu Giấy. Trong đó, đề xuất đặt tên phố Mạc Thái Tổ (tức vua Mạc Đăng Dung) cho đoạn đường từ ngã ba giao cắt đường Phạm Hùng đến ngã tư giao cắt phố Trung Kính, đối diện tòa nhà E1 Chelsea Park.

Đoạn đường này có chiều dài 900m, rộng 60m. Còn đoạn đường từ ngã ba giao cắt với đường Phạm Hùng (cạnh công ty cổ phần lắp máy xây dựng, đối diện cổng sau Trung tâm Hội nghị Quốc gia) đến ngã tư giao cắt với phố Trung Kính, nối tiếp phố Vũ Phạm Hàm có chiều dài 840m, rộng 17m được đặt tên phố Mạc Thái Tông (tức vua Mạc Đăng Doanh). 

Đây cũng là lần thứ hai Sở VH-TT&DL Hà Nội đề xuất đặt tên cho 2 tuyến phố mới theo tên hai vị vua đầu triều Mạc. Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, ngày 28-5, Sở đã gửi công văn xin ý kiến và được Viện Sử học tán thành.

 Việc đặt tên đường phố theo tên các vị vua họ Mạc cũng đã được đưa ra bàn thảo, đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo việc đặt tên là hợp lý, đạt được sự đồng thuận cao từ phía nhân dân. Trước Hà Nội, 9 tỉnh, thành phố khác đã có những đường, phố mang tên Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh như TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Ngãi…

Vương triều Mạc có nhiều đóng góp quan trọng

Tồn tại từ năm 1527-1677, vương triều Mạc có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi cái nhìn thiên lệch, chủ quan của các sử gia phong kiến, việc ghi chép, nghiên cứu cũng như đánh giá về vương triều Mạc không đầy đủ, chân thực nên đã gây ra cái nhìn chủ quan, phiến diện về vương triều này.

Tuy nhiên, sau nhiều năm nghiên cứu thư tịch cổ, các nhà khoa học lịch sử đã đưa ra những bằng chứng để dư luận có nhìn nhận, đánh giá khách quan hơn về sự tồn tại cũng như công trạng của vương triều Mạc. Theo GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: “Nhà Mạc là vương triều ra đời và tồn tại sau nhà Lê. Việc nhà Lê sụp đổ, nhà Mạc thay là một hiện tượng có ý nghĩa tiến bộ, được nhiều người ủng hộ. Không nên coi sự việc này là sự cướp ngôi”.

 Cần phải nhớ rằng, Mạc Đăng Dung khi lên ngôi là thay thế những Lê Uy Mục, Lê Tương Dực là những vị vua đã gây vết nhơ trong lịch sử triều Lê, thì đây âu cũng là một hành động hợp lẽ, hợp đạo. Bổ sung cho luận điểm này, Giáo sư sử học Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học cũng đánh giá, khi khủng hoảng cung đình diễn ra trầm trọng, triều đình đổ nát, kinh tế suy sụp, dân tình cực khổ, Mạc Đăng Dung đã dẹp được các phe phái phân chia, cát cứ và lên ngôi, tạo dựng được cơ nghiệp cho con cháu nối đời, góp phần ổn định đời sống xã hội, xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội trong hơn nửa thế kỷ. 

Trong bài nghiên cứu “Quan hệ giữa nhà Mạc và nhà Minh thế kỷ XVI” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 6 năm 1991, PGS. TS Nguyễn Minh Tường đã đánh giá: “Với hành động chịu nhẫn nhục của mình, Mạc Đăng Dung không chỉ tạo cho các tướng Cừu Loan, Mao Bá Ôn cái cớ để rút quân mà còn làm nguội đi cái đầu bốc lửa của vị hoàng đế Trung Hoa lúc nào cũng sẵn sàng cử binh sát phạt các nước lân cận”.

Cố GS Trần Quốc Vượng cũng từng khẳng định, họ Mạc thi hành chiến lược “thần phục giả vờ, độc lập thực sự”. Điều đã được Minh sử dẫn: “Họ Mạc nộp toàn đất khống (có địa danh mà không có thực) hoặc là đất nhà Minh từ trước rồi. Các quan nhà Minh không hay cứ yên trí đem dâng đất về kinh sư. Khi đi kiểm tra để thu hồi mới hay sự thật là họ Mạc “nộp vờ”. Những luận điểm nói trên đã phần nào làm sáng tỏ, xóa bỏ cái nhìn định kiến về vương triều Mạc, khẳng định đóng góp của vương triều này trong tiến trình lịch sử của dân tộc, từ đó đề xuất đặt tên đường phố sao cho xứng đáng, hợp lý, phù hợp với nguyện vọng của người dân.