Băn khoăn việc bồi thường bằng đất dịch vụ
(ANTĐ) - Theo quy định hiện hành về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Hà Nội, thành phố tăng rất mạnh mức hỗ trợ song lại bỏ cơ chế bồi thường bằng đất dịch vụ vốn được thực hiện phổ biến ở các huyện mới hợp nhất về Hà Nội từ 1-8-2009. Tuy nhiên, hiện nay, một số quận, huyện lại đang kiến nghị thành phố cho phép tiếp tục các dự án đất dịch vụ triển khai dang dở để bồi thường cho người dân.
Bồi thường bằng đất dịch vụ có lợi hơn cho người dân |
Thành phố nói bỏ; quận, huyện muốn làm
Ông Nguyễn Đình Huệ - Trưởng ban GPMB quận Hà Đông cho biết, một số dự án đô thị quan trọng trên địa bàn quận đang vướng GPMB sau khi thành phố bỏ cơ chế bồi thường bằng đất dịch vụ. Ông Nguyễn Đình Huệ nói: “Cả người dân và chính quyền quận đều băn khoăn, các khu đất dịch vụ đang làm dở dang, đã có quyết định thu hồi đất, có làm tiếp không hay dừng lại. Tương tự, các khu đã quy hoạch là đất dịch vụ nhưng chưa có quyết định thu hồi có làm nữa không?”.
Theo ông Nguyễn Đình Huệ, quan điểm của quận Hà Đông là đề nghị thành phố cho phép được tiếp tục thực hiện các dự án đất dịch vụ. Các điểm chưa có quyết định thu hồi cũng sẽ làm nốt bởi trước sau gì Hà Đông cũng đô thị hóa hoàn toàn, sẽ không còn đất nông nghiệp nữa. “Giá đất ở Hà Đông khá cao nên dù mức hỗ trợ đã tăng rất mạnh nhưng một số người dân vẫn mong muốn được bồi thường bằng đất dịch vụ thay vì lấy tiền. Thực tế, bồi thường bằng đất dịch vụ thì bền vững hơn vì tiền dù có nhiều hơn trước nhưng không ít người tiêu hết trong thời gian ngắn” - ông Nguyễn Đình Huệ nói.
Không chỉ có quận Hà Đông, nhiều huyện ngoại thành khác có tốc độ đô thị hóa cao như Hoài Đức, Mê Linh cũng đang băn khoăn về hướng xử lý bồi thường bằng đất dịch vụ. Ông Lê Văn Hoạt - Bí thư Huyện ủy Mê Linh kiến nghị: “Một số huyện vẫn đang chờ thành phố quyết định phương án giải quyết đối với đất dịch vụ. Theo quan điểm của huyện Mê Linh, nếu không được tiếp tục thực hiện, công tác GPMB của Hà Nội sẽ rất khó khăn, nhất là ở các huyện mới hợp nhất vào Hà Nội”.
Cho rằng tiếp tục triển khai bồi thường bằng đất dịch vụ sẽ giúp các dự án GPMB thuận lợi hơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường Nguyễn Đỗ Việt cho rằng, đó chính là cung cấp tư liệu sản xuất cho nông dân mưu sinh sau khi ruộng đất bị thu hồi. Ngoài ra, khác với những địa bàn xa xôi, tại những khu vực đang đô thị hóa mạnh như Hà Đông, Từ Liêm, Hoài Đức... giá đất rất cao nên theo người dân tính toán, bồi thường bằng đất sẽ có lợi hơn nhiều so với việc nhận tiền.
Chậm xử lý phương án đã duyệt
Theo Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội, đối với những dự án, hạng mục đã chi trả xong việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trước ngày Nghị định số 69/2009/NĐ-CP và quy định tại Quyết định số 108/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành thì không áp dụng hoặc không điều chỉnh theo quy định mới.
Tương tự, đối với những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước khi Nghị định số 69/2009/NĐ-CP và quy định này có hiệu lực thi hành (ngày 1-10-2009) thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định này. Theo Ban chỉ đạo GPMB, các quận, huyện cần tổ chức tốt việc tuyên truyền chính sách mới tới người dân, tránh gây thắc mắc, hiểu lầm, cản trở các dự án.
Chính sách pháp luật đã rõ. Các sở, ngành chức năng cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương triển khai chính sách mới. Thế nhưng, đã hơn 2 tháng kể từ ngày chính sách mới về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội chính thức có hiệu lực (1-10-2009) song, một số địa phương hiện nay vẫn còn chần chừ, chưa tiếp tục thực hiện chi trả cho các phương án đã duyệt trước ngày 1-10-2009.
Thậm chí, có dự án nhà đầu tư đã nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước nhưng địa phương vẫn tạm “đóng” lại, chưa chi trả cho người dân theo phương án đã duyệt trước 1-10-2009. Điều này gây thiệt hại cho cả nhà đầu tư và người dân bởi tiền nằm “chết” trong tài khoản trong khi đất đai bị bỏ hoang, không thể tiếp tục sản xuất nông nghiệp cũng như đưa vào triển khai dự án. Đây rõ ràng là vấn đề mà các sở, ngành thành phố cần theo dõi cũng như đôn đốc, hướng dẫn để các quận, huyện kịp thời tăng tốc, đảm bảo công tác GPMB, kịp tiến độ cho các dự án.
Chính Trung