Băn khoăn về chuyện án lệ, đặt tên và chuyển đổi giới tính

ANTĐ - Trong buổi thảo luận tại tổ về Bộ luật Dân sự (BLDS) sáng 10-6, nhiều ý kiến còn băn khoăn về quy định liên quan đến án lệ, đặt tên và chuyển đổi giới tính...

Quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, song lại có phần mâu thuẫn với chế định “khi xét xử Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Đó là nhận định chung của nhiều Đại biểu Quốc hội trong buổi thảo luận tại tổ về Bộ luật Dân sự (BLDS) sáng 10-6.

Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh (TP.Hà Nội) cho rằng, quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc vì lý do chưa có điều luật áp dụng là hoàn toàn phù hợp với Bộ luật TTDS. Tuy vậy, xung quanh vấn đề này vẫn có một số nội dung cần làm rõ là ngoài Tòa án, cơ quan khác có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân là những cơ quan nào? Ban soạn thảo làm rõ thêm về khái niệm “án lệ”, xác định cụ thể những trường hợp được áp dụng tập quán, quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc công nhận, tập hợp, hệ thống và công bố các tập quán để áp dụng.

Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) đồng tình với quan điểm trên, đồng thời đề xuất thêm, cần phải làm rõ án lệ có được xem là nguồn của BLDS hay không và khi nào áo dụng tương tự pháp luật, khi nào áp dụng tập quán.

Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội thảo luận ở tổ, sáng 10-6

Còn theo Đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa), quy định trên đã giao cho Tòa án trách nhiệm khá lớn. Các vụ việc dân sự cần được pháp luật quy định cụ thể chứ không nên lấy tập quán để giải quyết. Hơn nữa, Hiến pháp đã ghi nhận khi xét xử Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nên chỉ cần quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết các vụ án dân sự”.

Liên quan đến quyền nhân thân, các ĐBQH tập trung phân tích về quy định về việc đặt tên và chuyển đổi giới tính.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) tán thành với quy  định: “Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự”. Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh không tán thành quy định hạn chế cách đặt tên, độ dài của tên vì cho rằng điều này là không cần thiết. Đại biểu Nguyễn Sơn – Phó Chánh án TANDTC (ĐBQH Hà Nội) cũng đồng tình với quan điểm này trên cơ sở việc quản lý về nhân khẩu, hộ tịch phải chặt chẽ. Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) lại nêu quan điểm, quy định hạn chế việc đặt tên là đúng đắn phù hợp, tránh gây khó khăn cho Nhà nước trong công tác quản lý cá nhân.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) phát biểu

Về vấn đề chuyển đổi giới tính, Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Nội) cho rằng, Nhà nước nên cho phép chuyển đổi giới tính vì điều này thể hiện sự nhân đạo đối với những người thiệt thòi. Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) phân tích, Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới nhưng cho phép người đã chuyển giới có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch cho phù hợp với giới tính của mình và có các quyền nhân thân khác…là có phần mâu thuẫn. Mặc dù nhu cầu chuyển giới là có thực nhưng có thể làm phát sinh nhiều hệ lụy. Do đó, Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi đồng ý với việc trước mắt chưa công nhận chuyển giới. 

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) nêu quan điểm, việc xác định lại giới tính là quyền của con người. Đây là quy định đúng đắn và nhân văn. Còn việc Nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính, vì có những người chuyển đổi theo trào lưu.

Về các quyền nhân thân nói chung, Đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) cho rằng việc quy định quyền nhân thân như trong dự thảo là quá rộng, chỉ nên giữ lại 13 quyền của cá nhân đưa 8 quyền khác ra khỏi dự thảo.

Đại biểu Nguyễn Sơn (TP.Hà Nội) phát biểu

Với quy định về hộ gia đình, tổ hợp tác, Đại biểu Nguyễn Sơn – Phó Chánh án TANDTC (ĐBQH Hà Nội) nêu ra một số vướng mắc trong áp dụng pháp luật khi giải quyết các vụ việc như: Khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng cho hộ gia đình chủ hộ đứng tên, vậy khi có giao dịch liên quan đến đất ai là người đại diện? Hay trong trường hợp 1 người chiếm giữ nhà thờ họ nhưng cả dòng họ đi đòi, vậy ai là người đại diện dòng họ để thực hiện các thủ tục liên quan? Do vậy, quy định trong BLDS phải đảm bảo tính khả thi, dễ áp dụng.