Băn khoăn nợ công

(ANTĐ) - Ngày 3-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện ngân sách năm 2010, dự toán ngân sách năm 2011. Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe trình bày dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII:

Băn khoăn nợ công

(ANTĐ) - Ngày 3-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện ngân sách năm 2010, dự toán ngân sách năm 2011. Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe trình bày dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: “Hiện nay, nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn”

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: “Hiện nay, nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn”

Xem xét số liệu tổng hợp tại báo cáo của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội ghi nhận việc thực hiện công tác ngân sách năm 2010 đã có cố gắng. Điều này thể hiện ở kết quả tăng thu 58.600 tỷ đồng và giảm bội chi từ mức dự toán 6,2 xuống còn 5,9%. Song cũng có ý kiến cho rằng, có hiện tượng địa phương dự toán rất thấp để lấy thành tích thu cao. Cuối năm thu không đạt thì bán đất, mượn các doanh nghiệp để đóng góp vào thuế năm trước bù năm sau lấy thành tích vượt thu. ĐB Trịnh Thị Nga (Phú Yên) nêu ý kiến, thu chi ngân sách còn nhiều sơ hở dẫn đến thất thoát. Cụ thể là chi tiếp khách, chi thưởng lúc quá chặt, lúc quá lỏng. Hiện nay, quy định chi hội nghị, chi tiếp khách tương đối thoải mái, cần siết lại. Cũng về vấn đề này, ĐB Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, muốn chữa căn bệnh trầm kha bội chi ngân sách lớn, cần phải bắt đầu từ giảm hội họp. Ông nói: “Nhiều đại biểu đang đề nghị giảm bớt hội họp. Nhất là cán bộ dưới xã, huyện rất sợ họp, vì họp nhiều quá, anh em không có tiền đi”.

Từ mối lo nợ nần ở Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), vấn đề nợ công đã thu hút sự chú ý của nhiều ĐBQH. ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng, Chính phủ cần trình bày rõ cơ cấu nợ, vì khó có thể yên tâm khi nợ công của Việt Nam tăng nhanh trong bối cảnh thâm hụt ngân sách tăng và chỉ số ICOR cũng tăng tới gần 2 chữ số, tức là chi ra 10.000 đồng chỉ lãi 1.000 đồng. ĐB Nguyễn Minh Thuyết phân tích: “Điều này vi phạm nguyên tắc cơ bản của nợ công bền vững và như vậy có cơ sở để lo lắng rằng GDP càng tăng thì nợ càng tăng, khả năng trả nợ ngày càng khó”.

ĐHQH Nguyễn Bá Thuyền: “Phải làm rõ mức bao nhiêu là ngưỡng an toàn”
ĐHQH Nguyễn Bá Thuyền: “Phải làm rõ mức bao nhiêu là ngưỡng an toàn”

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) bổ sung, Chính phủ nên nêu rõ, nợ công đang ở ngưỡng an toàn nhưng phải làm rõ mức bao nhiêu là ngưỡng an toàn. Ông nói: “Phải công khai minh bạch để cử tri và ĐBQH biết”. ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cảnh báo, “không thể tự cho rằng Việt Nam đang ở mức an toàn về tài chính quốc gia trong điều kiện thách thức hiện nay”.

ĐHQH Mai Thị Ánh Tuyết: “Nợ công đang tăng từng năm... dự báo năm 2010 tăng lên 44,6% GDP”
ĐHQH Mai Thị Ánh Tuyết: “Nợ công đang tăng từng năm... dự báo năm 2010 tăng lên 44,6% GDP”

ĐB Mai Thị Ánh Tuyết nói: “Nợ công đang tăng qua từng năm, lần lượt là 33,8% GDP, 36,2%, 41,9% năm trong các năm 2007-2009 và dự báo năm 2010 tăng lên 44,6% GDP”. Để giảm áp lực nợ công, các ĐBQH đề nghị cơ cấu lại các khoản chi ngân sách một cách hợp lý, hiệu quả, xử lý sắp xếp theo các doanh nghiệp Nhà nước, chấn chỉnh hoạt động đầu tư; giảm bội chi ngân sách Nhà nước năm 2011 xuống 5% GDP; thực hiện nghiêm túc Luật Quản lý nợ công...

Giải trình về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, nếu tự cân đối được không phải đi vay là “hạnh phúc nhất”. Ông nói: “Các khoản nợ công như Chính phủ báo cáo là chính xác, được tính theo tỷ giá hiện tại và không bao gồm nợ của doanh nghiệp. Hiện nay, nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn”.

Hôm nay, 4-11, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), nghe báo cáo thẩm tra về việc thực hiện công trình quan trọng quốc gia Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, tờ trình dự án Luật Đo lường, dự án Luật Thủ đô.

Chính Trung

Phải siết chặt thị trường USD “chợ đen”

Sáng 3-11, bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, trao đổi với báo chí về biến động của giá vàng và ngoại tệ thời gian qua, ĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho biết, những gì đang diễn ra là tác động của hệ quả khủng hoảng tài chính toàn cầu và bởi giá vàng liên quan đến sự thay đổi dự trữ và cung ứng của các nước. Ông Trần Du Lịch phân tích: “Phải nói rằng, biến động của giá vàng có liên quan đến USD. Có ý kiến cho rằng, ở ta, rất nhiều hàng hoá niêm yết giá bằng USD. Không thể quản lý như vậy! Trong tình hình biến động giá hiện nay, tôi đề nghị cần phải tỉnh táo, không nên để hệ thống phải chịu nhiều áp lực từ thị trường “chợ đen”, để rồi chạy theo điều chỉnh hay can thiệp. Nhà nước nên tập trung nguồn ngoại tệ cho những nhu cầu nhập khẩu thiết yếu. Đồng thời, công bố rõ danh mục những mặt hàng này và luôn bảo đảm cho doanh nghiệp yên tâm không phải mua USD ở thị trường “chợ đen”. Tiếp đó, phải mạnh tay thiết lập kỷ cương trong kinh doanh trên thị trường “chợ đen” và củng cố tâm lý rằng, giống như các nước, ta sẽ chấm dứt việc tồn tại một thị trường bất hợp pháp. Cùng với đó, phải củng cố tính minh bạch về tài sản, tức là mọi nguồn tiền đưa vào ngân hàng phải có nguồn gốc. Vấn đề này còn có tác dụng trong chống tham nhũng và nhiều vấn đề khác nữa...”.                      

Ngọc Khánh (Ghi)