Băn khoăn khi đánh thuế nhà
(ANTĐ) - Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra hôm qua, 18-12, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về đối tượng chịu thuế, mức thuế suất… quy định tại Dự luật Thuế nhà đất. Thời hạn thi hành luật dự kiến là 1-1-2011 cũng được nhiều thành viên UBTVQH cho là quá gấp gáp.
Đánh thuế nhà sẽ tác động tới đại bộ phận người dân |
Tranh cãi đánh thuế nhà
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều ĐBQH chưa tán thành việc đưa nhà vào đối tượng chịu thuế, vì nhà là tài sản gắn liền với công sức, tích lũy lâu dài của người dân. Ngoài ra, việc đánh thuế nhà sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng lên thuế. Do vậy trước mắt chỉ nên thu thuế đối với đất. Tuy vậy, theo Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách (UBTC-NS), ông Phùng Quốc Hiển, việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế tại thời điểm hiện nay là cần thiết, nhằm tăng cường công tác quản lý, từng bước kiểm soát, điều tiết hợp lý nguồn thu cho ngân sách, góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ.
“Mức thuế suất không cao, không coi thu ngân sách là mục tiêu chủ yếu, đối tượng áp dụng hẹp nên đa số người dân chưa chịu tác động của thuế. Việc áp dụng thuế đối với nhà cũng không dẫn đến tình trạng thuế chồng lên thuế, vì bản chất thuế nhà, đất là thuế tài sản, mang tính độc lập với các sắc thuế khác” - ông Phùng Quốc Hiển nói.
Về phương án tính thuế, Thường trực UBTC-NS và cơ quan soạn thảo có ý kiến khác nhau. UBTC-NS đề nghị thu hẹp đối tượng chịu thuế thông qua việc miễn giảm thuế và quy định mức thuế suất không cao, đồng thời áp dụng phương pháp thu, tính, nộp thuế đơn giản, dễ thực hiện. Theo đó, UB này đưa ra 2 phương án. Phương án 1 (phương án chọn) là chỉ thu thuế đối với người sở hữu nhà thứ 2 trở lên và với mức thuế suất áp dụng chỉ là 0,03%. Phương án 2 là thu thuế đối với nhà có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên (thay vì mức 500 triệu đồng như dự thảo).
Cần lấy ý kiến nhân dân
Xuất phát từ mong muốn “khoan sức dân”, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền nói: “Nên có định hướng giảm thu cho dân trong điều kiện đời sống của đại bộ phận nhân dân còn khó khăn, thu nhập bình quân chưa cao. Quan điểm của tôi là chưa nên đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế. Nếu buộc phải thu thì chỉ nên thu từ nhà thứ 2”.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng, với điều kiện hiện nay thì chưa nên thu thuế nhà. Các phương án và cách tính giá trị nhà để tính thuế cũng không hợp lý. “Đây là vấn đề lớn, sẽ tác động tới đại bộ phận người dân, vì vậy nên đưa ra lấy ý kiến nhân dân” - ông Thuận đề nghị. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, cần phải rất thận trọng và “không nên ban hành luật chỉ để tập dượt”. Theo ông Vượng, đánh thuế nhà là đánh thuế tài sản, phải định giá trị tài sản đó nhưng việc này rất khó. “Đầu năm nhà có giá 1 tỷ đồng, nhưng cuối năm chỉ còn 700 triệu đồng, vậy tính thế nào? Còn đánh thuế đối với nhà thứ 2 cũng có những bất hợp lý. Có người có hai chục nhà nhưng không bằng anh chỉ có 1 cái!” - ông Vượng không đồng tình.
Trước vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên yêu cầu Ban soạn thảo “tính toán kỹ để khi đưa ra QH đạt được sự đồng thuận cao”, bởi vừa qua, có nhiều ý kiến ĐBQH chưa “thông” việc đánh thuế vào nhà ở. Ông cũng cho rằng, đây là quyết định có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến toàn dân nên cần có cách thức thích hợp để xin ý kiến các tầng lớp nhân dân ở mọi vùng miền.
Liên quan tới thuế suất đối với phần diện tích đất vượt hạn mức, UBTC-NS cho rằng, mức thuế suất phải khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm và góp phần hạn chế đầu cơ đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Vì vậy, phần diện tích vượt hạn mức (bất kể vượt bao nhiêu) được áp thuế suất 0,1% (thay vì các mức 0,06 và 0,09% như dự thảo) và phần đất sử dụng sai mục đích, đất được giao mà không sử dụng đúng thời hạn được áp thuế suất 0,5%.
Chính Trung
Trẻ làm con nuôi nên dưới 16 tuổi Cũng trong ngày 18-12, UBTVQH đã cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến dự án Luật Nuôi con nuôi. Thường trực UB Pháp luật đề nghị, đối tượng được nhận làm con nuôi là trẻ dưới 16 tuổi và không áp dụng đối với các đối tượng khác. Điều kiện để trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước và con nuôi nước ngoài là như nhau, không có sự phân biệt. Liên quan đến hệ quả pháp lý của việc xác lập quyền, nghĩa vụ pháp lý giữa con nuôi với các thành viên khác trong gia đình của cha mẹ nuôi, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng: “Nếu ghi nhận thì cần phải quy định cả việc hỏi ý kiến các thành viên khác trong gia đình và cả cách xử lý nếu ai đó không đồng ý, rất phức tạp. Vì thế, không nên đưa vào luật”. Chiều cùng ngày, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay. |