Bán được còn là may

ANTĐ - Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay chỉ đạt 4,91%, trong khi tiền gửi ngân hàng tăng tới 9,48%. Mặt khác, lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng cũng giảm khá mạnh khiến lợi nhuận sụt giảm. Đó là báo cáo tổng kết của Ngân hàng Nhà nước. Dự báo, kết thúc năm 2013, các ngân hàng không thể đạt được lợi nhuận lớn và tăng trưởng cao như kỳ vọng. Kết quả kinh doanh tiền tệ kém sáng sủa không nằm ngoài dự đoán, chứng tỏ dòng tiền-mạch máu nuôi sống nền kinh tế, doanh nghiệp chưa thể lưu thông trở lại như mong muốn. 

Vụ Dự báo thống kê tiền tệ cho biết, chỉ có 30,4% ngân hàng đánh giá thực trạng kinh doanh được cải thiện hơn, trong khi 21,5% ngân hàng cho rằng kinh doanh kém hơn và gần 50% được hỏi cho rằng lợi nhuận trước thuế giảm từ 20-30%. Tuy vậy, báo cáo tài chính của các ngân hàng nêu rõ, chỉ có một số ngân hàng nợ xấu cao, còn lại hầu hết các ngân hàng lớn đều có mức nợ xấu dưới 3%. Số tiền trích lập dự phòng tài chính cũng ở mức khá thấp. Trong bối cảnh tắc nghẽn tín dụng, một tín hiệu đáng mừng là, trên thị trường bất động sản đang hình thành xu hướng “rót” tiền mua bán những dự án “chết”, được ví như “nghĩa địa” bất động sản nằm rải rác ở các đô thị lớn. Giá mua có khi chỉ bằng 1/2 , thậm chí 2/3 số tiền mà chủ đầu tư cũ đã đổ vào dự án, song cũng phải chấp nhận bởi đây gần như là “lối thoát hiểm” duy nhất trong thời kỳ “băng hà” của nhà đất trên cả nước.

Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn bỏ tiền mua lại những dự án “đắp chiếu” phơi mưa nắng, sau đó rót vốn để hoàn thiện thành một sản phẩm có giá. Phó Tổng giám đốc một công ty địa ốc lớn thừa nhận, bán được dự án còn may, có được tiền trả ngân hàng. Trong khi đó, nhiều dự án bán không ai mua, hết tiền để xây tiếp, nhà không thể giao được bị khách hàng đòi lại tiền, nợ ngân hàng càng nặng gánh. Lãnh đạo một doanh nghiệp đang mua lại dự án tại Hà Nội nhận xét, chỉ  có doanh nghiệp lớn “mạnh tiền” mới đủ sức mua lại đống tài sản “chết”. Hơn thế, họ còn phải kết nối với khách hàng qua sàn giao dịch, nắm được nhu cầu của người mua cần sản phẩm nào, công năng, diện tích, giá bán ra sao. Quan trọng là phải giữ đúng tiến độ mới bán được nhà nếu không chủ mới sẽ “ra đi” theo chủ cũ. Dẫu vậy, những công ty lớn có “máu mặt” mua lại dự án cũng không nhiều, trong khi phần lớn dự án là của doanh nghiệp Nhà nước, muốn bán cũng không được vì cơ chế không cho phép lỗ, chí ít phải hòa vốn. 

Dưới góc độ của một số chuyên gia kinh tế cũng như bất động sản, cái khó hiện nay là vướng mắc của doanh nghiệp Nhà nước không bán được dự án, bởi không ai mua lại với giá gốc. Vì vậy, cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nếu không các doanh nghiệp sẽ tiếp tục sa lầy trong bất động sản, không thể thoái vốn được.