Ban Chấp hành Trung ương quyết định triệu tập: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII từ ngày 20 đến 28-1-2016

ANTĐ - Chiều 21-12, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, sau 8 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao. 

Ban Chấp hành Trung ương quyết định triệu tập: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII từ ngày 20 đến 28-1-2016  ảnh 1Quang cảnh Lễ bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 13 chiều qua 21-12

Kết tinh trí tuệ, ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân 

Hội nghị đã tập trung thảo luận, góp ý cụ thể và thống nhất cao thông qua các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Nội dung các văn kiện thật sự là kết tinh trí tuệ, ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; đã đánh giá thẳng thắn, sát thực kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI; chỉ rõ những thành quả đã đạt được, những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Đồng thời, phân tích, dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm sắp tới; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới nhằm xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn. 

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, Văn kiện đã có nhiều bổ sung về phương hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trong quá trình phát triển, phải thường xuyên quan tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu; nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống nhân dân; đổi mới, cơ cấu lại thị trường dịch vụ công, nhất là dịch vụ y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội. 

Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Văn kiện bổ sung, xác định rõ hơn sự cần thiết và định hướng đổi mới về tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị đồng bộ hơn với đổi mới kinh tế cả về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển biến tích cực, hiệu lực, hiệu quả hơn. Xây dựng Nhà nước cả về lập pháp, hành pháp và tư pháp, gắn với đổi mới hoàn thiện chính quyền các địa phương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Chú trọng hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện nghiêm pháp luật theo các nguyên tắc và quy định của Hiến pháp năm 2013. 

Văn kiện khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của việc ban hành và kiên trì, kiên quyết tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ và phương thức lãnh đạo. Nhấn mạnh yêu cầu, nhiệm vụ phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương. Ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp; đổi mới phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ. Xây dựng cơ chế, chính sách để các tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên và nhân dân phát hiện, giới thiệu nhân tài cho Đảng, Nhà nước; thực hiện chủ trương quản lý biên chế thống nhất trong toàn hệ thống chính trị. 

Trung ương nhất trí cao danh sách đề cử khóa XII

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ và biểu quyết, nhất trí cao thông qua danh sách đề cử các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XI (cả chính thức và dự khuyết) trong độ tuổi và các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XI thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XII; bỏ phiếu biểu quyết đề cử nhân sự các đồng chí đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII; bỏ phiếu biểu quyết đề cử nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII. Các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XI (cả chính thức và dự khuyết) đã viết phiếu giới thiệu các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong độ tuổi ứng cử 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. 

Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng từ ngày 20-1-2016 đến ngày 28-1-2016 tại Thủ đô Hà Nội, trong đó phiên trù bị tổ chức vào ngày 20-1-2016, khai mạc chính thức vào ngày 21-1-2016. 

Trong phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Hội nghị đã thành công tốt đẹp; nhiều nội dung công việc quan trọng chuẩn bị Đại hội XII của Đảng cơ bản đã được hoàn thành theo đúng yêu cầu và kế hoạch đề ra. Thời gian từ nay đến Đại hội không còn nhiều, còn không ít việc quan trọng phải làm. Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Trung ương và toàn thể các đồng chí tham dự Hội nghị tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thật tốt các nhiệm vụ đã đề ra, góp phần thiết thực vào thành công của Đại hội.