Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội:

Bám sát nhịp đập, hơi thở cuộc sống

ANTD.VN - Trước, trong hay sau từng chủ trương, quyết định của thành phố Hà Nội, để hiệu quả được phát huy tối đa, cần có sự hiện diện và vai trò của công tác tuyên giáo. Vì thế, để mỗi chính sách ra đời không xa rời thực tiễn, nhanh chóng đi vào đời sống, đòi hỏi ngành tuyên giáo Thủ đô phải luôn bám sát từng “nhịp đập” xã hội.

Đó là ý kiến của ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khi trả lời phỏng vấn Báo An ninh Thủ đô, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội (3-3-1949/3-3-2019).

Bám sát nhịp đập, hơi thở cuộc sống ảnh 1Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi 

- Từng làm Tổng biên tập báo Hà Nội mới, rồi đảm nhận chức vụ Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, nay đang giữ cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông cảm nhận như thế nào khi nhìn lại những kết quả mà ngành tuyên giáo Hà Nội đã đạt được thời gian qua?

 - Dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập là cột mốc lịch sử đáng tự hào của Ban Tuyên giáo Thành ủy và tất cả những người đã, đang làm công tác tuyên giáo của Thủ đô. Có thể khẳng định, trong suốt chặng đường dài đó, ngành Tuyên giáo Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Thành phố giao cho. Vì thế, đây cũng là dịp để cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành và đội ngũ cán bộ đang làm công tác tuyên giáo của Hà Nội nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, thành tựu, truyền thống vẻ vang của ngành để tiếp tục phấn đấu, đóng góp vào công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

Mỗi giai đoạn lịch sử có một đặc điểm riêng, nhiệm vụ riêng, và hơn ai hết ngành tuyên giáo phải bám sát từng nhịp đập, hơi thở của thực tiễn. Thời gian tôi được phân công về làm Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, đó là lúc Hà Nội vừa mở rộng địa giới hành chính, khối lượng công việc cần giải quyết là khổng lồ, trong đó có rất nhiều việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ. Đến nhiệm kỳ này của Đảng bộ Thành phố, bối cảnh mới, diễn biến mới của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong và ngoài nước tiếp tục đặt ra cho thành phố biết bao công việc, mới cũ đan xen cần giải quyết. Đó là những thách thức, những nhiệm vụ mà ngành tuyên giáo luôn ở trên tuyến đầu.

Công tác tuyên giáo của Hà Nội từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã được chỉ đạo triển khai với tinh thần mới, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó đội ngũ cán bộ tuyên giáo là nòng cốt. Chưa bao giờ chúng ta có được một đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo vững mạnh như hiện nay. Quán triệt sự chỉ đạo của Thành ủy, công tác tuyên giáo ở Hà Nội cũng đã khắc phục được tình trạng giáo điều, “tuyên giáo một chiều”. Thể hiện rõ nhất là trong công tác tuyên giáo đã có sự tăng cường đối thoại, tăng cường lắng nghe ý kiến, nhất là góp ý xây dựng của giới trí thức, các nhà khoa học, các chuyên gia, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để từ đó có những tham mưu, đề xuất phù hợp.

Bám sát nhịp đập, hơi thở cuộc sống ảnh 2Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm đến công tác quản lý, định hướng phát huy sức mạnh của hệ thống báo chí Thủ đô (Trong ảnh: Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi (thứ tư từ trái sang) cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày Báo An ninh Thủ đô tại Hội báo Xuân Kỷ Hợi 2019) Ảnh: LAM THANH

- Ông có thể chia sẻ kỹ hơn những “điểm nhấn” quan trọng nhất trong công tác tuyên giáo của Hà Nội thời gian vừa qua?

- Điểm nhấn của ngành tuyên giáo Hà Nội có thể tóm trong 10 chữ: “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thuyết phục, hiệu quả”. Đó là phương châm hoạt động của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Trong đó, “thuyết phục” là yếu tố quan trọng nhất, là thước đo hiệu quả của mọi hoạt động tuyên giáo. 

Chỉ có “thuyết phục” thì công tác tuyên giáo mới góp phần tạo được niềm tin, sự ủng hộ, đồng thuận của người dân với các công việc chung của thành phố, nhất là trong các chủ trương, chính sách về các vấn đề mới nảy sinh, các công việc khó, chưa có tiền lệ. “Thuyết phục” đòi hỏi phải giải quyết hài hòa các vấn đề đặt ra với tâm tư nguyện vọng của người dân, với yêu cầu phát triển của thành phố và đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài.

Thời gian qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã thể hiện được phong cách lãnh đạo mới, tập trung vào các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, từ lãnh đạo thành phố đã lan tỏa đến hệ thống chính quyền các cấp trong việc tăng cường đối thoại, tiếp thu và giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc, các vụ việc “nóng”, phức tạp nảy sinh trong nhân dân. 

Thẳng thắn mà nói, vừa qua, Hà Nội cũng không phải là không có các vấn đề, vụ việc khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo phức tạp nảy sinh, nhất là trong các lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng… Ở các vụ việc như vậy, ngành tuyên giáo luôn đi trước, trong và sau mỗi quyết định, điều hành của thành phố để giúp công việc được giải quyết hiệu quả, hài hòa. Vai trò đó của tuyên giáo thể hiện một cách thầm lặng qua công tác tham mưu, hay thể hiện một cách trực tiếp hơn qua công tác quản lý, định hướng báo chí, công tác báo cáo viên, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật…

- Tổng kết năm 2018, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại… Vậy theo ông, đâu là những vấn đề mà ngành tuyên giáo Hà Nội phải chú trọng trong thời gian tới?

- Năm vừa qua, ngành tuyên giáo Hà Nội đã tiên phong trong việc thực hiện chủ trương của thành phố về sắp xếp lại tổ chức, bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị. Đó là việc mạnh dạn triển khai nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị ở các quận, huyện, thị xã. Tôi được biết, đến nay, hầu hết quận, huyện của Hà Nội đã thực hiện việc này. Đây là một chủ trương phù hợp, nhưng sau một thời gian thực hiện, cần có đánh giá để rút kinh nghiệm.

Trong lĩnh vực quản lý báo chí, Hà Nội là địa phương có cách làm rất chủ động. Minh chứng là ngay từ năm 2013, Thành ủy Hà Nội đã có Chỉ thị 25-CT/TU về việc cung cấp thông tin cho báo chí và giải quyết những vấn đề mà báo chí nêu, đến nay Chỉ thị này vẫn còn nguyên tính thời sự và phát huy được hiệu quả. Thế nhưng, trong quản lý báo chí hiện nay, có rất nhiều vấn đề mới đang đặt ra, đặc biệt là sự phát triển mạnh của báo điện tử và tác động từ mạng xã hội. Điều đó đòi hỏi ngành tuyên giáo Hà Nội phải có chủ trương, biện pháp phù hợp để quản lý hiệu quả hơn, chủ động hơn, nhất là quản lý, sử dụng mạng xã hội phục vụ cho các công việc chung của ngành và thành phố.

Trong công tác tuyên giáo, cần luôn kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, thực sự quan tâm giải quyết vấn đề thiết thân của người dân, nắm chắc diễn biến tình hình thực tế trong từng thời điểm để có thể tham mưu, định hướng kịp thời, tránh để xảy ra những điểm nóng; quản lý, sử dụng, phát huy sức mạnh của hệ thống báo chí, truyền thông, coi đó là vũ khí đầy hiệu năng trong công tác tư tưởng, tuyên giáo. 

- Trân trọng cảm ơn ông!