Bám biển, không chỉ bằng ý chí

ANTĐ - Giữa biển cả mênh mông sóng dữ, gặp người bị nạn, bà con ngư dân Việt Nam luôn xả thân cứu giúp, một truyền thống đã trở thành đạo lý từ bao đời nay. Trong khi đó, “tàu lạ” có chữ Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam thì bỏ mặc nạn nhân, thậm chí còn ngăn cản việc cứu nạn.

Nghịch cảnh vô nhân đạo này đã và đang diễn ra ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, ngư trường truyền thống hàng trăm năm nay của bà con ngư dân ven biển miền Trung Nam bộ. Mới đây, sau khi Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam phát thông báo hàng hải đến các phương tiện hoạt động ở khu vực xung quanh đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng tìm kiếm các ngư dân Trung Quốc đang mất tích trên biển, một tàu cá của ngư dân Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm và cứu thành công 3 ngư dân Trung Quốc.

Cũng đúng vào hôm đó, một tàu cá chở theo 5 ngư dân ở TP Nha Trang, Khánh Hòa đang thả neo đánh lưới, bất ngờ bị một tàu sắt có chữ Trung Quốc to gấp nhiều lần, chạy rất nhanh, đâm thẳng vào mạn trái. Không kịp né tránh, tàu cá Việt Nam bị chìm, ngư dân chỉ kịp nhảy xuống thuyền thúng chai như chiếc lá giữa biển sóng to, gió lớn. 

Chỉ trong 4 tháng qua, đã có 4 chiếc tàu cá của nghiệp đoàn nghề cá ở một xã của TP Nha Trang bị “tàu lạ” đâm hỏng nặng khi đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Cách đây chưa lâu, không ít tàu cá Việt Nam cũng bị tàu Trung Quốc tấn công không khác gì cướp biển. Những lực lượng “dân binh” trên biển, được chính quyền cung cấp phương tiện đánh bắt, được hỗ trợ nhiên liệu và “thả” vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, mặc sức tung hoành, cướp phá tàu cá của bà con ngư dân Việt Nam.

Không chỉ đập phá thuyền, ngư cụ, những kẻ “hải tặc” hung bạo, tàn nhẫn này còn phá hỏng bộ đàm, cắt đứt phương tiện cấp cứu, đổ chất bẩn vào những thùng nước ngọt, đổ xuống biển thực phẩm dự trữ trên tàu. Trước hàng loạt hành động phi pháp, phi nhân tính của phía Trung Quốc, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, đồng thời chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông báo tới các cơ quan chức năng của Trung Quốc đề nghị phối hợp xác minh thông tin, tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân Việt Nam.

Không thể kể hết nỗi khổ cực, mối hiểm nguy luôn rình rập không chỉ tài sản mà cả tính mạng của bà con ngư dân trên vùng biển của Tổ quốc. Hầu hết những con tàu này ngư dân phải vay mượn hàng tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, khi tàu bị đâm chìm, có nghĩa tiền nợ càng “nổi”, nhiều gia đình không còn đủ sức gượng dậy để ra khơi kiếm sống, bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

Đã và đang có những chương trình “Tiếp sức cho dân”, “Tấm lưới nghĩa tình” hỗ trợ bà con cùng với chương trình cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước giúp ngư dân đóng tàu sắt. Giữa bộn bề khó khăn, đầy rẫy nguy hiểm, ngư dân vẫn không nao núng, chùn bước, luôn sáng ngời tinh thần, nghĩa cử cao đẹp, sẵn sàng cứu người trong hoạn nạn. Chính vì vậy, cần phải có những chính sách, giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn để tiếp sức cho ngư dân kiên cường bám giữ Hoàng Sa, Trường Sa, một phần máu thịt thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc.