Bài toán “hậu” khủng hoảng
(ANTĐ) - “Nền kinh tế đang trên đà phục hồi”, nhận định này được hầu hết các chuyên gia khẳng định tại cuộc hội thảo “hoạch định chính sách tài chính thời kỳ hậu khủng hoảng” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Tuy vậy, họ cũng cảnh báo đã xuất hiện một số rủi ro ảnh hưởng tới tính bền vững của sự phục hồi kinh tế. Chẳng hạn như nguy cơ lạm phát quay trở lại, nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng sản xuất tăng chậm, trong khi nhu cầu bên ngoài khó tăng mạnh.
Sự phục hồi kinh tế rõ rệt nhất là GDP từng quý tăng liên tục. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp hầu như trở lại bình thường, tổng doanh thu bán lẻ vẫn tăng trưởng cao. Song, chỉ số giá tiêu dùng tăng trở lại. Thâm hụt cán cân thanh toán, áp lực giảm giá đồng Việt Nam cần quan tâm theo dõi.
Một chuyên gia Nhóm tư vấn chính sách Bộ Tài chính, nhận xét thị trường ngoại tệ vẫn căng thẳng, ngân hàng thiếu vốn dẫn đến chạy đua nâng cao lãi suất huy động. Vì vậy cần giải quyết vấn đề thanh khoản trong hệ thống ngân hàng bằng các biện pháp mang tính chất thị trường, đồng thời sẵn sàng các biện pháp trung hòa nếu cần thiết để không gây áp lực lạm phát. Mặt khác, kiềm chế dùng vốn ngân hàng cho vay mua bán chứng khoán.
Theo chuyên gia này, vẫn cần tiếp tục chính sách kích thích kinh tế nhưng cần kiềm chế bớt thâm hụt ngân sách nếu điều kiện cho phép. Trọng tâm của chính sách kích cầu nên hướng về các ngành xuất khẩu nhiều hơn, vì những ngành này vẫn chịu tác động xấu trong năm 2010. “Về lâu dài chúng ta vẫn tiếp tục phải phát triển hướng về xuất khẩu nếu chúng ta muốn tăng trưởng nhanh”, ông nói; Các giải pháp hỗ trợ tài chính sẽ tập trung vào đâu? Đó là tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và hỗ trợ an sinh xã hội. Đồng thời thu hẹp và không nên kéo dài các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp như bù lãi suất, miễn giảm thuế… Đặc biệt, cần tập trung vốn đầu tư phát triển của Nhà nước cho các dự án, công trình có hiệu quả, có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng sớm năm 2010-2011.
Một số ý kiến nhấn mạnh, nếu nước ta tận dụng được cơ hội thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài thì khả năng tăng trưởng kinh tế cao là hiện thực. Nền kinh tế Việt Nam xuất khẩu chiếm hơn 70% GDP nhưng cũng nhập khẩu hơn 80% GDP. Rõ ràng là có điều kiện để tăng cường tiêu thụ hàng nội địa ở thị trường trong nước, nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới biến động do khủng hoảng kinh tế. Điều đó sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm và cơ hội đầu tư.
Theo ý kiến của một giáo sư kinh tế, cần tạo thế cân đối giữa thị trường quốc tế và thị trường trong nước. Trước mắt, cần sớm cấu trúc lại tương quan giữa thị trường thế giới và thị trường nội địa. Đặc biệt, hướng tới thị trường nội địa theo nguyên tắc khai thác tối đa sức mua của thị trường trong nước, nhất là thị trường nông thôn chiếm tới 70% dân số.
Kinh tế gia thuộc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Martin Rama khuyến nghị cần đa dạng hóa hàng xuất khẩu và các thị trường để tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu cho một số sản phẩm hay từ một vùng. Theo ông: “Giám sát các danh mục đầu tư cùng với kiểm soát các dòng vốn luân chuyển ngắn hạn. Tạo điều kiện từng bước dịch chuyển theo hướng linh hoạt hơn tỷ giá hối đoái, như một cách hấp thụ các tác động bên ngoài”.
Ông Martin Rama gợi ý rằng, tăng số lượng cổ phiếu được giao dịch trên thị trường chứng khoán, đặc biệt thông qua cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn. Hỗ trợ cho việc thành lập các cơ quan xếp hạng tín dụng như là một nền tảng cho sự phát triển của công ty.
Nhận định chung của giới chuyên gia trong và ngoài nước tại cuộc hội thảo này là, mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây áp lực làm trì trệ nền kinh tế Việt Nam, nhưng cũng phải coi là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế, xác lập mặt bằng kinh tế mới, hướng tới sự phát triển bền vững hơn. Bài toán “hậu” khủng hoảng đặt ra cho Việt Nam là gì? Đó là cần chọn lọc tiếp nhận đầu tư nước ngoài theo hướng chủ yếu là tiếp nhận đầu tư từ công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ cao thuộc 5 ngành kinh tế mũi nhọn và các sản phẩm có giá trị gia tăng nhanh. Đồng thời có chính sách ưu đãi đối với hướng đầu tư này, cần phải “từ chối” đầu tư công nghiệ thấp như gia công may mặc, da giày, chế biến… lấy công làm lãi.