Bài toán "cải tổ" ngành Sư phạm

ANTD.VN - Điểm đầu vào thấp, người giỏi không mặn mà với ngành Sư phạm, thực tế này khiến Chính phủ và lãnh đạo ngành Giáo dục phải đặt bài toán “cải tổ” ngành Sư phạm.

Bộ GD-ĐT nhận định, dù điểm trúng tuyển các trường sư phạm tính trung bình vẫn cao hơn năm ngoái song nhiều thí sinh điểm cao không còn mặn mà với ngành này. Nhiều trường dù điểm đầu vào thấp nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Nhiều nguyên nhân được mổ xẻ, trong đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt yêu cầu rà soát rõ chỉ tiêu, tìm đơn đặt hàng “đầu ra” để ngành Sư phạm thu hút trở lại.

Bài toán "cải tổ" ngành Sư phạm ảnh 1Bộ GD-ĐT trước yêu cầu gấp về “đầu ra” và chuyển đổi đào tạo với ngành Sư phạm 

Cảnh báo thất nghiệp gây lãng phí

Ngày 17-8, tại cuộc họp bàn về chất lượng đào tạo ngành Sư phạm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Chúng ta đổi mới thi cử, xây dựng chương trình, sách giáo khoa đồng bộ nhưng nhân tố quyết định là con người, trong đó có giáo viên”. Theo Phó Thủ tướng, tình trạng điểm tuyển sinh đầu vào của một số trường sư phạm thấp không phải tất cả là do chất lượng đào tạo kém mà nguyên nhân chính là sinh viên sư phạm ra trường khó tìm việc. 

Thực tế nơi nào, ngành nào đào tạo ra có việc làm ngay, thu nhập cao, ổn định thì sẽ nhiều người đăng ký vào. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng vào biên chế khó khăn, thu nhập thấp, áp lực lớn, nhiều nơi lớp học quá đông nên giáo viên rất vất vả mà không được đãi ngộ xứng đáng. Vì vậy, ngành Sư phạm thực sự khó có thể cạnh tranh với các ngành khác và khó tạo ra động lực cho những người đang có ý định theo đuổi nghề giáo.

Trên quan điểm “bảo đảm “đầu ra” là yếu tố quyết định”, Phó Thủ tướng cho rằng, nếu không thống kê chính xác nhu cầu thì hoạt động đào tạo sư phạm như hiện tại sẽ gây lãng phí nguồn lực rất lớn. “Cần xem lại ngay chỉ tiêu các trường sư phạm. Nếu đào tạo sinh viên ra mà không xin được việc sẽ như thế nào? Không thể nói cái gì thiếu thì đào tạo còn thừa thì không quan tâm. Đây là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT”, Phó Thủ tướng phân tích.

“Ngành giáo dục cũng phải đánh giá thật sát nhu cầu giáo viên, từ tổng biên chế đến từng cấp, từng môn, từng nơi, nhằm khắc phục hiện tượng thừa, thiếu cục bộ, thừa môn này, thiếu môn kia, thừa cấp này, thiếu cấp kia. Không thể nói đào tạo tốt, dạy tốt mà thiếu giáo viên. Cũng không thể chuyển giáo viên Văn sang dạy Toán, giáo viên THPT dạy cấp THCS”, Phó Thủ tướng nói.

Được biết, số lượng trường sư phạm hiện nay đã vượt quá yêu cầu thực tế. Việc tuyển mới sư phạm đã vượt quá nhu cầu, trong khi số lượng thất nghiệp lên tới 70.000 người. Điều này mâu thuẫn với yêu cầu của Chính phủ tại Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. 

Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là chỉ tuyển mới để đào tạo rất ít ở những trường trọng điểm; còn lại tập trung cho bồi dưỡng đội ngũ. “Chúng ta ra quyết định nhưng không làm nghiêm, cứ “thả” tiếp cho việc tuyển sinh”, Phó Thủ tướng nhắc nhở. Với tình hình này, Phó Thủ tướng cảnh báo tình trạng thất nghiệp trong những năm tới còn tăng cao hơn, gây lãng phí lớn.

Chuyển giáo viên dư thừa sang ngành nghề khác

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về những bất cập trong đào tạo sư phạm thời gian qua từ khâu tuyển sinh đầu vào, chất lượng đào tạo của các trường sư phạm, nhất là ở địa phương, đến thực trạng sinh viên sư phạm ra trường khó kiếm việc làm, đội ngũ giáo viên thừa, thiếu cục bộ. Bộ trưởng cho biết, cùng với việc siết chỉ tiêu đào tạo mới, Bộ sẽ rà soát, quy hoạch lại và tập trung đầu tư cho một số trường sư phạm trọng điểm, còn các trường sư phạm địa phương là “vệ tinh”, chủ yếu thực hiện đào tạo lại giáo viên tại địa phương đó theo chương trình chuẩn thống nhất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD-ĐT nên tích cực triển khai ngay phương án “đặt hàng” đào tạo. “Chúng ta cứ nói phương án “đặt hàng đào tạo”, nhưng mấy năm nay rồi chưa có đặt hàng nào cả. Khi đổi mới quản trị đại học cũng có đặt hàng, giao nhiệm vụ. Trong năm nay, các đồng chí dứt khoát phải trình được cơ chế, chính sách về “đặt hàng” đào tạo sư phạm”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ cùng Bộ Nội vụ và các địa phương rà soát những bất cập trong quá trình tuyển dụng, sử dụng giáo viên, đánh giá nhu cầu thực tế về giáo viên đến từng môn học, bám sát vào chương trình, từ đó xác định rõ cần bao nhiêu chỉ tiêu đào tạo mới và quản lý chặt chỉ tiêu này trên toàn quốc; thống kê số lượng giáo viên cần bồi dưỡng, đào tạo chuyển đổi ở từng địa phương. 

Đặc biệt, đối với các sinh viên sư phạm khó tìm việc, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc ngay với các hiệp hội, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề đang thiếu nhân lực như công nghệ thông tin, du lịch… để có phương thức đào tạo linh hoạt giúp các em có nhiều cơ hội việc làm hơn. 

“Chúng ta cứ nói phương án “đặt hàng đào tạo”, nhưng mấy năm nay rồi chưa có đặt hàng nào cả. Khi đổi mới quản trị đại học cũng có đặt hàng, giao nhiệm vụ. Trong năm nay, các đồng chí dứt khoát phải trình được cơ chế, chính sách về “đặt hàng” đào tạo sư phạm”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

“Cùng với việc siết chỉ tiêu đào tạo mới, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, quy hoạch lại và tập trung đầu tư cho một số trường sư phạm trọng điểm, còn các trường sư phạm địa phương là “vệ tinh”, chủ yếu thực hiện đào tạo lại giáo viên tại địa phương đó theo chương trình chuẩn thống nhất”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ