Bài học về sử dụng vốn ODA

ANTĐ - Trong 5 năm trở lại đây, chưa có một dự án nào lại trì trệ như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Sau 5 lần nhận “tối hậu thư”, nay công trình này một lần nữa lại chậm tiến độ khi Chính phủ Trung Quốc chưa chấp thuận khoản vay bổ sung trị giá hơn 250 triệu USD.

Tháng 3-2015, sau khi thông qua chủ trương bổ sung vốn, Bộ GTVT chỉ đạo đến cuối năm 2015, phải đưa tuyến đường này vào khai thác thương mại. Tổng thầu Trung Quốc có hứa nhưng lại nuốt lời. 

Bộ GTVT lại phải lùi thời hạn đến cuối năm 2016. Hiện tại dự án mới hoàn thành được 70% khối lượng công việc. Tổng thầu lại hứa tháng 6 tới sẽ hoàn thành cơ bản các nhà ga. Tháng 9 hoàn thành các phần xây lắp, đồng thời lắp đặt các thiết bị và đầu tháng 10 sẽ khai thác thử.

Nếu thực hiện đúng theo cam kết của Tổng thầu EPC Trung Quốc, thời gian đếm ngược chỉ còn 7 tháng để hoàn thành 30% khối lượng công việc còn lại. Tuy nhiên, với việc Chính phủ Trung Quốc chưa chấp thuận khoản vay bổ sung trị giá hơn 250 triệu USD, xem ra cái đích của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn còn bị bỏ ngỏ. 

Còn nhớ, Bộ trưởng Bộ GTVT đã giải trình trước báo giới rằng, muốn đuổi Tổng thầu cũng không dễ vì đây là dự án ODA, có sự ràng buộc trong hợp đồng về vốn, về tổng thầu. Trước sự “trói buộc” này, có thể hiểu vì sao phía Tổng thầu cố tình chây ì. Hiện nay, không ít chuyên gia lo ngại rằng những công trình ODA vay vốn từ Trung Quốc hiệu quả không cao, thậm chí có thể sẽ trở thành nơi chứa các công nghệ lạc hậu, thải loại của nước này.

Thực tế, hàng loạt công trình, dự án lớn của Việt Nam đang thiệt đủ đường vì vay vốn tín dụng xuất khẩu hoặc ODA của Trung Quốc, thậm chí có chuyên gia nói rằng Việt Nam đã “sập bẫy”. Ngoài dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã nhiều lần từng xảy ra sự cố mất an toàn nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản, chậm tiến độ, đội vốn, gây ra tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng hàng ngày cho tuyến cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, các dự án công nghiệp ở khu công nghiệp Đình Vũ, khu Gang Thép Thái Nguyên cũng đang đắp chiếu thi gan cùng đất trời....

Thái độ bất hợp tác, sự chậm trễ và nhiều lần thất hứa của Tổng thầu Trung Quốc đã  gây bức xúc trong dư luận. Đây chính là một bài học lớn cho chúng ta về việc sử dụng vốn ODA. Không phải chỉ riêng với Trung Quốc mà còn cả với các nước viện trợ ODA khác. Chúng ta chấp nhận sử dụng vốn ODA nhưng phải hài hoà với mục đích phát triển kinh tế của đất nước. Không thể cứ thấy nguồn vốn ODA là gật đầu đồng ý mà không tính toán tới hiệu quả cũng như có sự kiểm soát và thẩm định chặt chẽ.