Bài học từ dịch “tai xanh”

(ANTĐ) -  Ngay từ trung tuần tháng 3-2008, tại một số địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã có hiện tượng lợn ốm, nhưng người dân đã giữ lại để điều trị. Thêm vào đó, khi lợn bị dịch chết người dân đã mang vứt ra sông làm phát tán virus rộng rãi ngoài môi trường.

Bài học từ dịch “tai xanh”

(ANTĐ) -  Ngay từ trung tuần tháng 3-2008, tại một số địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã có hiện tượng lợn ốm, nhưng người dân đã giữ lại để điều trị. Thêm vào đó, khi lợn bị dịch chết người dân đã mang vứt ra sông làm phát tán virus rộng rãi ngoài môi trường.

Chỉ đến khi, số lợn ốm chết quá nhiều, thú y cơ sở phải “bó tay”, chính quyền địa phương cũng hoang mang mới báo lên cấp trên là có lợn ốm.

Đến khi đó, mọi sự xem ra đã quá muộn, virus gây bệnh được phát tán rộng rãi, lây lan sang các khu vực khác với một tốc độ kinh hoàng. Đến nỗi, sau khi công bố dịch thì lực lượng thú y chỉ còn việc đi kiểm kê số lợn ốm để báo cáo lên cấp trên.

Hiện nay, dịch lợn “tai xanh” tại Thanh Hóa vượt xa tầm kiểm soát của tỉnh. Ngay một số cán bộ chủ chốt của Sở NN&PTNT Thanh Hóa cũng cho rằng số lợn mắc bệnh chỉ lên đến tầm 100 nghìn con rồi dừng lại.

Song, tính hết ngày 14-4, riêng tại Thanh Hóa, số lợn mắc bệnh đã là hơn 151 nghìn con. Trong khi đó, dịch chưa có dấu hiệu dừng. Nhiều người còn nghĩ rằng, không loại trừ khả năng trận đại dịch này sẽ làm hỏng cả đàn lợn của Thanh Hóa.

Chưa dừng lại ở đó, dịch “tai xanh” xảy ra, kéo theo đó là hàng loạt vấn đề cũng không kém phần nhức nhối so với dịch. Nổi bật lên hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Đó là hậu quả của việc làm tắc trách.

Người ta đổ lỗi vì lợn phải tiêu hủy quá nhiều, người thì ít thành thử có chỗ làm không được thấu đáo. Với cái sự không thấu đáo như hiện nay, sau đại dịch “tai xanh”, Thanh Hóa có lẽ lại phải huy động cả hệ thống chính trị một lần nữa vào công tác giải quyết ô nhiễm môi trường.

Trước thiệt hại quá lớn, tỉnh Thanh Hóa đã kỷ luật, đình chỉ công tác một số cán bộ cơ sở với lý do: “Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Việc làm này là cần thiết, song, liệu trách nhiệm đến ngày hôm nay có phải chỉ thuộc về cán bộ cơ sở? Với tư cách, trách nhiệm của những người làm quản lý, làm lãnh đạo, khi dịch xảy ra, bùng phát rộng trên địa bàn, không thể chỉ có cán bộ xã thiếu trách nhiệm? Như vậy, vai trò của cán bộ huyện để đi đâu?

Nhiều người đánh giá, chống dịch như Thanh Hóa là mạnh tay, là kiên quyết, song các nhà lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng thừa biết, nếu không như vậy, 1,4 triệu con lợn (tổng đàn lợn của Thanh Hóa) có nguy cơ mất trắng. Dù, đây là lần đầu tiên, Thanh Hóa bị dịch “tai xanh”, song sẽ là bài học về chống dịch không riêng cho Thanh Hóa mà tất cả các tỉnh khi hiện nay, dịch “tai xanh” đang có nguy cơ lan rộng toàn quốc.

Ngân Tuyền