Bãi bỏ nghị định về kinh doanh đòi nợ có tạo lỗ hổng pháp lý?

ANTD.VN - Bộ Tài chính từng có đề xuất quy định khá chặt chẽ về hoạt động đòi nợ thuê như phải mặc đồng phục, đeo thẻ khi đi đòi nợ, nhưng mới đây lại đề xuất bãi bỏ hoàn toàn nghị định liên quan đến hoạt động này. Một số ý kiến lo ngại về việc liệu có tạo lỗ hổng pháp lý trong việc quản lý hoạt động kinh doanh vốn đã tiềm ẩn nhiều phức tạp này hay không?

Bãi bỏ nghị định về kinh doanh đòi nợ có tạo lỗ hổng pháp lý? ảnh 1Việc quản lý hoạt động đòi nợ thuê thời gian tới có thể sẽ giao cho Bộ Công an thay vì Bộ Tài chính

Không còn nghị định về hoạt động đòi nợ thuê?

Trước khi công bố dự thảo Nghị định bãi bỏ Nghị định 104/2007/NĐ-CP, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định này, theo hướng bãi bỏ các điều kiện về vốn, điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý, người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ (đòi nợ thuê).

Theo lý giải của Bộ Tài chính, đối với điều kiện về vốn, Nghị định 140 quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có vốn tối thiểu là 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 không còn có quy định về vốn pháp định, vì vậy với đa số ngành nghề, vốn không còn là một điều kiện kinh doanh (trừ một số ngành đặc biệt như ngân hàng, chứng khoán...).

Về tiêu chuẩn đối với người quản lý và người lao động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Nghị định số 104 quy định người quản lý và người lao động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải đảm bảo điều kiện về tư pháp (có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không có tiền án) và điều kiện về năng lực chuyên môn (có trình độ học vấn từ đại học, trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: Kinh tế - Quản lý - Pháp luật - An ninh). 

Qua quá trình thực hiện, Bộ Tài chính thấy rằng, tương tự hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác, năng lực chuyên môn của người quản lý và người lao động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của chính doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp khác cũng như đến nền kinh tế nên không cần thiết phải quy định điều kiện này.

Một điểm đáng lưu ý là trong dự thảo mà Bộ Tài chính từng xin ý kiến trước đó có thêm quy định về việc nhân viên khi thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ phải có giấy giới thiệu, thẻ nhân viên có ảnh, ghi rõ họ tên, chức vụ, đồng thời phải có giấy giới thiệu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải cấp trang phục cho người lao động trong vòng 30 ngày sau khi Bộ Công an có hướng dẫn về mẫu trang phục.

“Thực tế hoạt động đòi nợ thuê thời gian qua cho thấy, nếu không quản lý tốt thì các doanh nghiệp vẫn tìm đủ mọi cách để lách, vẫn sử dụng các biện pháp kiểu “xã hội đen” để đòi nợ. Quan trọng nhất là phải giám sát chặt, xử lý nghiêm những hành vi đòi nợ thuê phạm pháp”.

Luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico)

Đây là thay đổi đáng chú ý được cho là sẽ giúp hoạt động đòi nợ thuê mang tính chuyên nghiệp hơn, đồng thời cũng là biện pháp để tăng cường sự giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động này. Qua đó cũng góp phần hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp không có chức năng đòi nợ, hoặc một nhóm người hoạt động với tư cách cá nhân tụ tập, gây rối ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ uy tín, chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, sau hơn nửa năm lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 104, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, báo cáo Chính phủ theo hướng chưa ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 104/2007/NĐ-CP để đảm bảo thực hiện theo đúng tinh thần của Hiến pháp về quyền con người, quyền tài sản của công dân, các quy định của pháp luật dân sự và các quy định khác có liên quan.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, đồng thời qua nghiên cứu quy định pháp luật hiện hành, Bộ Tài chính thấy rằng trong trường hợp không ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 104/2007/NĐ-CP thì cũng không cần thiết duy trì các điều kiện về vốn, điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý, người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Do đó, Bộ Tài chính đã xây dựng Nghị định bãi bỏ Nghị định 104/2007/NĐ-CP.

Có quy định phải quản lý tốt

Xung quanh việc bãi bỏ Nghị định này, một số ý kiến lo ngại về việc quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ liệu có bị buông lỏng. Trong đó, Bộ Tư pháp đã có ý kiến đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ tác động của việc ban hành Nghị định bãi bỏ Nghị định số 104, tránh tạo lỗ hổng trong hoạt động quản lý Nhà nước đối với dịch vụ đòi nợ. Trong khi đó, đa số các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tòa án nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau đó đều thống nhất ý kiến nên bãi bỏ Nghị định này.

Trong đó, Bộ Công an cho rằng, trong những năm qua, ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ chủ yếu phức tạp về ANTT, vì vậy công tác quản lý đối với ngành, nghề này hiện nay Chính phủ đã giao cho Bộ Công an nên Bộ này đề nghị Bộ Tài chính xây dựng Nghị định bãi bỏ Nghị định 104. Như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ cần thiết duy trì các quy định về điều kiện an ninh, trật tự; giao dịch giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ với chủ nợ, khách nợ được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên theo quy định của Bộ luật Dân sự, không nhất thiết phải quy định nội dung hoạt động dịch vụ đòi nợ tại một Nghị định riêng. 

“Việc bãi bỏ Nghị định này sẽ vẫn đảm bảo quản lý Nhà nước chặt chẽ của Bộ Công an đối với hoạt động này, không tạo lỗ hổng để xảy ra việc lạm dụng, xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của công dân. Đồng thời cũng không tác động đến quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan đến hoạt động dịch vụ đòi nợ (chủ nợ, khách nợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ) khi thực hiện hợp đồng đã ký kết giữa các bên theo quy định tại Bộ luật Dân sự”, Bộ Công an nêu quan điểm.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico cho rằng, việc bãi bỏ Nghị định 104 là hợp lý và sẽ không mang lại nguy cơ phức tạp thêm hoạt động đòi nợ thuê. Theo luật sư Trương Thanh Đức, hiện xu thế là chúng ta đang nỗ lực giảm bớt các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh để tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động. Vì vậy, các điều kiện về vốn, về điều kiện tư pháp và năng lực chuyên môn của người quản lý và người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng nên bãi bỏ.

Ngoài ra, không cần thiết phải duy trì các quy định trong hoạt động đòi nợ thuê như không xâm phạm danh dự, nhân phẩm, không sử dụng bạo lực... vì đương nhiên mọi hoạt động kinh doanh, mọi hành vi đều phải tuân thủ điều đó. “Anh muốn làm gì thì làm nhưng vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, luật sư Trương Thanh Đức nói. Vì vậy, theo vị luật sư, việc bãi bỏ Nghị định 104 sẽ không tạo nên lỗ hổng trong quản lý dịch vụ vốn tiềm ẩn phức tạp này mà quan trọng là môi trường pháp luật nói chung. 

“Ở một số nước cũng có quy định rất chặt chẽ về dịch vụ đòi nợ thuê, chẳng hạn người quản lý doanh nghiệp đòi nợ thuê phải có hiểu biết pháp luật (văn phòng luật sư, công ty luật). Trong quá trình đòi nợ cũng có những quy định như gọi điện không quá 9h tối, không gọi quá bao nhiêu cuộc, không được đến cơ quan con nợ, ngày lễ Tết không được gọi... Tuy nhiên có quy định thì phải đảm bảo quy định được thực thi nghiêm minh. Ở Việt Nam, ngay trong Nghị định 104 cũng đã quy định rõ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ.

Nhưng thực tế hoạt động đòi nợ thuê thời gian qua cho thấy, nếu không quản lý tốt thì các doanh nghiệp vẫn tìm đủ mọi cách để lách, vẫn sử dụng các biện pháp kiểu xã hội đen để đòi nợ”, luật sư Trương Thanh Đức nói và cho rằng quan trọng nhất là phải giám sát chặt, xử lý nghiêm những hành vi đòi nợ thuê phạm pháp.