Bài 2: Mạnh ai nấy làm...

(ANTĐ) - Theo thống kê của Cục SHTT - Bộ KHCN, vi phạm về SHTT ở nước ta ngày càng có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính riêng năm 2007 đã có trên 10.000 vụ vi phạm. Trong đó, 90% vụ áp dụng biện pháp xử phạt hành chính, còn lại chỉ có khoảng vài chục vụ xử lý hình sự, dân sự. Thực tế này dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp (DN) vi phạm nhờn thuốc, trong khi đó các cơ quan chức năng lại mạnh ai người nấy làm, dễ làm khó bỏ, chồng chéo và hiệu quả thấp.

Sở hữu trí tuệ - bước ra là biển rộng:

Bài 2: Mạnh ai nấy làm...

(ANTĐ) - Theo thống kê của Cục SHTT - Bộ KHCN, vi phạm về SHTT ở nước ta ngày càng có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính riêng năm 2007 đã có trên 10.000 vụ vi phạm. Trong đó, 90% vụ áp dụng biện pháp xử phạt hành chính, còn lại chỉ có khoảng vài chục vụ xử lý hình sự, dân sự. Thực tế này dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp (DN) vi phạm nhờn thuốc, trong khi đó các cơ quan chức năng lại mạnh ai người nấy làm, dễ làm khó bỏ, chồng chéo và hiệu quả thấp.

>>> Bài 1: Doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ...!

Chế tài xử phạt thấp... không đủ sức răn đe

Năm 2007, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra và xử lý gần 450 vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, liên quan trực tiếp đến SHTT (nhãn hiệu, kiểu dáng, xuất xứ, chất lượng hàng hóa...), trong khi đó ngành Tòa án chỉ thụ lý và xét xử vài chục vụ việc liên quan trực tiếp đến SHTT. Hầu hết những vụ việc về SHTT hiện nay đều xử lý phạt hành chính, tịch thu hàng hóa.

Với lực lượng hải quan, mức xử phạt hành chính cao nhất mà họ có quyền thực hiện là 20 triệu đồng. Đó là con số quá thấp đối với những vụ việc mang tầm xuyên quốc gia như xe máy Trung Quốc nhái các loại xe máy của hãng Honda VN (Vận chuyển 103 xe nhái Wave từ Hà Nội vào TP. HCM của hai công ty ở Hà Nội bị phát hiện cũng chỉ dừng lại ở mức tịch thu tiêu hủy các chi tiết vi phạm và phạt tiền tổng cộng 15 triệu đồng đối với các công ty).

Nhiều DN đã từng cay đắng thốt lên: “ăn cắp một chiếc xe đạp cũ thì bị xử tù từ 6 tháng đến 3 năm, trong khi một cơ sở làm hàng giả khiến chúng tôi thiệt hại hàng trăm triệu đồng thì chỉ bị phạt vài triệu đồng”.

Bên cạnh đó, Pháp lệnh xử phạt hành chính chỉ quy định mức phạt tối đa đối với DN vi phạm SHTT là 100 triệu đồng. Trong khi đó, Luật SHTT lại quy định không được vượt quá 5 lần giá trị hàng hóa vi phạm đã phát hiện được. Như vậy, việc chưa có quy định cụ thể trong xử phạt hành chính dẫn đến những DN làm ăn chân chính bị thiệt thòi khi hàng hóa của họ bị các DN khác vi phạm.

Sự chồng chéo trong thực thi quyền SHTT ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp (Ảnh có tính minh họa)

Sự chồng chéo trong thực thi quyền SHTT ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp (Ảnh có tính minh họa)

Có thể thấy, tình trạng vi phạm SHTT gia tăng và tồn tại lâu dài là do mức xử phạt hiện nay quá thấp, chủ yếu là phạt hành chính, mang tính chất cảnh cáo, mỗi ngành lại áp dụng mức khác nhau nên không đủ sức răn đe. Tỷ lệ tái phạm cao trong hầu hết các vụ vi phạm SHTT đã phần nào phản ánh vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Thanh Hằng - Văn phòng Luật sư Việt Pháp và liên doanh cho rằng: “Những chế tài hiện nay về cơ bản đã cao hơn rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp mang tính gốc rễ của vấn đề. Điều quan trọng là phải tăng cường hiệu quả của Tòa án và cần áp dụng triệt để hơn biện pháp buộc chủ thể vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu đối tượng SHTT.

"Mức bồi thường sẽ được căn cứ vào các thiệt hại thực tế của bên bị thiệt hại và phải nâng lên mức tước bỏ toàn bộ những giá trị kinh tế được mang lại cho bên vi phạm do hành vi vi phạm, thậm chí là cao hơn cả những giá trị kinh tế đó. Như vậy, mới giúp cho chủ sở hữu đối tượng SHTT bù đắp lại những thiệt hại”.

Không ai chịu trách nhiệm chính

Một vụ việc nhỏ nhưng có thể được xem là điển hình về việc chồng chéo và thiếu hiệu quả trong thực thi quyền SHTT của các cơ quan chức năng là vụ “Gấu Misa” diễn ra cách đây không lâu. Công ty Dược phẩm Quang Minh và Công ty Đông Nam dược Trường Sơn tranh chấp nhau về kiểu dáng bao bì và cách thể hiện nhãn mác kem xoa bóp Gấu Misa.

Công ty Dược phẩm Quang Minh đăng ký bảo hộ quyền tác giả Mỹ thuật ứng dụng tại Cục Bản quyền tác giả và được cơ quan này bảo vệ. Ngược lại, Công ty Trường Sơn đăng ký bảo hộ tại Cục SHTT - Bộ KHCN về nhãn hiệu và kiểu dáng nên cũng được cơ quan này cho là đúng.

Khi lực lượng Quản lý thị trường xử lý, hai cơ quan ra hai quyết định mà văn bản nào cũng có hiệu lực, không văn bản nào phủ quyết được văn bản nào. Hậu quả là cơ quan bắt giữ không tài nào xử lý được, DN thì vướng vào kiện cáo, kinh doanh bị ảnh hưởng.

Ông Phạm Bá Dục - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nhận định: “Hiện nay, có nhiều cơ quan chuyên trách được Chính phủ giao quyền thực thi bảo hộ SHTT như: Quản lý thị trường, Hải quan, Thanh tra khoa học công nghệ, Công an...

"Song trên thực tế, khi xảy ra các vi phạm liên quan đến SHTT, các cơ quan này thường không có sự phối hợp với nhau, mỗi cơ quan tự xử lý theo quy định riêng, không có cơ quan nào đóng vai trò chỉ đạo chung. Đây là một thực tế dẫn đến tình trạng chồng chéo và làm cho việc xử lý không có hiệu quả.

"Bên cạnh đó, các cơ quan này cũng không đủ lực lượng để đáp ứng nhu cầu trong từng trường hợp cụ thể. Đấy là chưa kể đến việc nhiều ngành chức năng và mỗi ngành lại áp dụng những trình tự về SHTT khác nhau”.

“Thực thi quyền SHTT không chỉ nhằm đáp ứng các chuẩn mực quốc tế mà còn giúp Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của khoa học - công nghệ trong nước, tạo môi trường thuận lợi để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư”.

Đó là nhận xét của ông Alain Cany - Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam trong buổi khai mạc Hội thảo “Quyền SHTT: tăng cường sức mạnh cho DN vừa và nhỏ” được tổ chức mới đây tại Hà Nội. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng mà Chính phủ nên xem xét để tăng cường việc thực thi SHTT một cách hiệu quả nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chủ sở hữu nói chung và DN nói riêng trong thời gian tới.

(Còn nữa)

Ngọc Hân