Văn hóa giao thông - Nhìn từ những ngã tư đường phố

Bài 2: Cần nghiêm trị những hành vi côn đồ xuất phát từ… lỗi vi phạm giao thông

ANTD.VN - Từ ý thức kém khi tham gia giao thông cho đến hành vi lăng mạ, chống đối lực lượng chức năng của không ít người dân chỉ là ranh giới hết sức mong manh. Có thể thấy, những vụ CSGT bị người vi phạm hành hung, chống đối đều xuất phát từ thái độ coi thường pháp luật của đối tượng.

Nhiều chiêu trò cản trở

Với 391 nút giao thông trọng điểm, hàng nghìn tuyến đường lớn nhỏ, cả triệu lượt người và phương tiện tham gia giao thông trong một ngày, áp lực đối với CSGT không hề nhỏ. Trong dòng người tham gia giao thông ấy, có muôn hình vạn trạng tính cách, con người, suy nghĩ, trình độ, nhận thức khác nhau. Bên cạnh số đông ý thức tham gia, chấp hành Luật Giao thông ngày càng được nâng cao, thì số người vi phạm vẫn còn không ít.

Đại úy Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, CATP Hà Nội nhìn nhận, thay vì quan tâm, nghiên cứu các quy định đảm bảo ATGT, học thật tốt những kỹ năng điều khiển phương tiện thì hiện nay, không ít lái xe lại “mách” nhau những biện pháp đối phó với CSGT, lực lượng chức năng khi bị kiểm tra. Nhẹ nhất là không chịu xuống xe xuất trình giấy tờ; còn cố chấp hơn là hành vi khóa cửa, cổ xe rồi… bỏ đi.

Bài 2: Cần nghiêm trị những hành vi côn đồ xuất phát từ… lỗi vi phạm giao thông ảnh 1

Nhiều đối tượng vi phạm khi bị CSGT kiểm tra đã chống đối quyết liệt

Đồng quan điểm với Đại úy Trần Quang Chinh, Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Đội phó Đội Tuyên truyền điều tra giải quyết TNGT, Phòng CSGT bức xúc: Quá trình chỉ huy các tổ công tác kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn, rất nhiều lái xe vi phạm tìm đủ mọi cách để kéo dài thời gian, gây cản trở cho quá trình kiểm tra của CSGT. Phổ biến nhất là không chịu thổi vào máy đo nồng độ cồn, hoặc thổi chiếu lệ, không đạt yêu cầu. Với những cá nhân vi phạm có chút vị trí trong cơ quan, xã hội, họ ngang nhiên không chấp hành yêu cầu của CSGT; và hành động đầu tiên thường là rút điện thoại ra gọi cho “người thân” để “trợ giúp”.

Cũng theo Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, đa phần lái xe chuyên nghiệp ý thức được hành vi, hành động của mình khi ngồi trên vô lăng. Đối với họ, việc uống bia, rượu trước khi cầm lái là rất hãn hữu. Số vi phạm bia, rượu chủ yếu lại thuộc về những đối tượng như… công nhân viên chức, cơ quan doanh nghiệp. Đây là bộ phận được xem như có trình độ học vấn, hiểu biết cao hơn so với người lao động làm việc chân tay. Thống kê cho thấy, qua các đợt kiểm tra nồng độ cồn, vi phạm của những thành phần này thường  chiếm tỷ lệ khá cao.

Quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng CSGT kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm, hoặc vi phạm những lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới ùn tắc và TNGT. Nhiều trường hợp vi phạm ban đầu tỏ ra rất ngoan ngoãn, chấp hành quy định với mong muốn được CSGT bỏ qua. Tuy nhiên, khi bị CSGT kiên quyết lập biên bản, họ lập tức quay ngoắt, thậm chí sử dụng hung khí để hành hung CSGT.

Xin không được quay sang… chống đối

Nói về tình trạng đối tượng vi phạm Luật Giao thông, chống đối CSGT, Đại úy Nguyễn Ngọc Thuật, Đội phó Đội CSGT số 12, Phòng CSGT, CATP Hà Nội không thể quên được sự việc tổ công tác của đơn vị trong khi thi hành nhiệm vụ đã bị một nhóm đối tượng lăng mạ, hành hung.

Tối 20-8, thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát đảm bảo ATGT trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, tổ công tác của Đội CSGT số 12 phát hiện một chiếc xe ô tô phóng trên đường với tốc độ rất cao, lạng lách. Nhận định rất có khả năng lái xe và những người ngồi trên xe có sử dụng rượu, bia, CSGT đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.

Vừa bước xuống xe, lái xe khuôn mặt phừng phừng, hơi thở nồng nặc mùi bia, rượu đã lăng mạ, chửi bới tổ công tác. Chưa dừng lại, những đối tượng ngồi trên xe cũng nhảy xuống, lao vào hành hung CSGT khiến một cán bộ bị thương. Các đối tượng còn manh động hơn khi điện thoại cho đồng bọn mang dao, kiếm đến vị trí làm nhiệm vụ của CSGT để cản trở, gây áp lực với tổ công tác. Ngay trong đêm, Đội CSGT số 12 và CAH Chương Mỹ đã phối hợp truy bắt 3 đối tượng Đỗ Xuân Nguyên, Nguyễn Duy Ninh và Nguyễn Bá Vương, đồng thời xác minh xử lý các đối tượng có liên quan.

Làm nhiệm vụ và bị chống đối dẫn đến thương tích nặng phải kể tới trường hợp Đại úy Mai Hồng Sơn, cán bộ Đội CSGT số 7. Gặp Đại úy Mai Hồng Sơn khi anh đang tất bật cùng đồng đội phân luồng giao thông tại nút giao thông trọng điểm Nguyễn Trãi –Khuất Duy Tiến, không ai nghĩ cách đây vài tháng anh phải nằm điều trị trong bệnh viện với chấn thương phần đầu rất nặng.

Bài 2: Cần nghiêm trị những hành vi côn đồ xuất phát từ… lỗi vi phạm giao thông ảnh 2

Không chỉ xử lý nghiêm các vi phạm, CSGT còn phát hiện, bắt giữ những đối tượng cướp tài sản

Quá trình kiểm tra lỗi vi phạm mũ bảo hiểm, Đại úy Mai Hồng Sơn đã bị đối tượng Nguyễn Quang Hùng (SN 1965, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội - có 2 tiền án về tội cướp tài sản và mua bán trái phép chất ma túy), dùng gạch đá tấn công vào đầu. “Do chấn thương nặng nên mỗi khi trái gió trở trời thì cũng ê ẩm lắm. Ban chỉ huy Đội bố trí những phần việc phù hợp với sức khỏe nhưng mình không thể ngồi yên khi thấy áp lực giao thông dồn lên vai đồng đội trên các tuyến đường nên bản thân tôi tiếp tục vượt lên cùng anh em đảm bảo an toàn giao thông cho người dân”- Đại úy Mai Hồng Sơn tâm sự.

Thống kê của Phòng CSGT cho thấy, trong năm 2018, xảy ra 20 vụ chống người thi hành công vụ, CSGT đã bắt giữ 22 đối tượng. Còn trong 10 tháng đầu của năm 2019, trên toàn địa bàn thành phố xảy ra 5 vụ, 7 đối tượng chống người thi hành công vụ. So với cùng kỳ năm 2018 giảm 7 vụ. Mặc dù số vụ giảm nhưng tính chất, mức độ của những vụ chống người thi hành công vụ này vẫn luôn nhức nhối đối với lực lượng CSGT. Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, CSGT đã phát hiện 217 và bắt giữ 232 đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Trên lĩnh vực giao thông đường thủy, có 16 vụ với 73 đối tượng bị bắt giữ về những hành vi tổ chức đánh bạc, tàng trữ trái phép chất ma túy, truy nã, tranh chấp tài sản, lừa đảo... Đó còn chưa kể tới gần 1.000 đối tượng có dấu hiệu tội phạm hoạt động trên đường đã bị các tổ công tác 141 phát hiện, bắt giữ, bàn giao cho Công an các quận, huyện, đơn vị xử lý.

Chỉ chừng đó con số thống kê cũng đủ thấy ngoài áp lực về giao thông, những nguy hiểm cận kề từ các đối tượng vi phạm mà lực lượng CSGT Thủ đô nói riêng đang hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt là rất lớn.