Bài 2: Biết kêu ai bây giờ?

(ANTĐ) - Những người phải sống cạnh nghĩa địa đều thấy bất tiện, và họ đều cho rằng đó là cực chẳng đã bởi điều kiện sinh hoạt quá chật hẹp hay bởi mưu sinh. Do đó bất chấp những quy ước mang tính nguyên tắc về xây dựng, môi trường hoặc tín ngưỡng... cái sự “miếng cơm manh áo” vẫn đẩy người ta vào việc tranh chấp với người đã khuất.

Nghĩa địa trong... phố:

Bài 2: Biết kêu ai bây giờ?

(ANTĐ) - Những người phải sống cạnh nghĩa địa đều thấy bất tiện, và họ đều cho rằng đó là cực chẳng đã bởi điều kiện sinh hoạt quá chật hẹp hay bởi mưu sinh. Do đó bất chấp những quy ước mang tính nguyên tắc về xây dựng, môi trường hoặc tín ngưỡng... cái sự “miếng cơm manh áo” vẫn đẩy người ta vào việc tranh chấp với người đã khuất.

>>> Bài 1: Sống cạnh người chết

Đối mặt với “cõi âm”

“Tôi không phải người duy tâm, nhưng nhìn những căn nhà mới xây sát cạnh các khu mộ, về mặt tâm linh vẫn thấy chướng chướng thế nào” - chị Hoàng Thị Hương hiện thuê trọ trong khu nghĩa trang Thượng - Hạ Đình nói. Trước đây chị Hương có nghe mọi người đồn thổi rằng: thỉnh thoảng tại khu chị thuê trọ vẫn xảy vài câu chuyện “Liêu trai”.

Thực hư thì không dám khẳng định, chỉ thấy người thuê nhà đến hôm trước, hôm sau rủ nhau chuồn sạch. Người hiểu chuyện thì bảo, do ông chủ tham lam, xây nhà đè lên cả phần đất của một ngôi mộ gần đó nên mới xảy ra nhiều chuyện “trục trặc” như vậy.

Còn chủ nhà thấy kinh doanh mãi mà chẳng “phát tài” bèn “khắc phục” bằng cách thuê thầy cúng biện một mâm lễ vật, xì sụp khấn vái rồi gói ghém quẳng đi đâu không rõ.

Gần nhà chị Hương là căn hộ thuê của hai anh em Hoàng Thị Tâm và Hoàng Công Thành hiện là sinh viên năm thứ 2, ĐH Công đoàn. Chị Tâm phàn nàn: Chẳng qua vì ở đây giá thuê nhà rẻ hơn nên chúng em vẫn phải “bám trụ” chứ chẳng thích thú gì.

Khổ nhất là mỗi khi trời mưa, nền nhà thấp hơn mặt nghĩa địa nên nước từ đó cứ ào ào chảy vào nhà mang theo đủ thứ từ bát hương bỏ đi, vàng mã cháy dở hay thậm chí cả chân nến, lọ hoa... Có đêm mưa to, sáng thức dậy thấy nước cuốn theo cả nửa vòng hoa tang héo rũ, xác xơ dạt vào lù lù trước cửa.

Đối với vợ chồng anh Trần Quyết Thắng và chị Trần Thị Hiền hiện công tác tại Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông thì sự bất tiện còn lớn hơn vì có con nhỏ. Chị Hiền kể: “Sống ở đây, khổ nhất là mỗi lần có đám ma, những gia đình có cháu nhỏ như nhà em phải trở thành “khán giả bất đắc dĩ”.

Khi đó, hai vợ chồng thay nhau bịt tai đứa nhỏ mới được vài tháng tuổi”. Chị Hiền chép miệng: “Đến mùa sang cát, tảo mộ thì cứ gọi là... mất ngủ kinh niên. Thân nhân người quá cố kêu khóc nỉ non từ nửa đêm, gặp phải gia đình nào vô ý thức thì chắc chắn sáng ra sẽ thấy lù lù trước cửa một cái huyệt sâu hun hút mà họ bốc xong không thèm lấp lại.

"Xung quanh lênh láng nước rửa cốt và vương vãi những mảnh ván hòm, hương, nến hay đống quần áo đen sì sì của người chết”. Chồng chị Hiền than trời: Khổ lắm mà vẫn phải chịu. Sống ở đây thì biết kêu ai bây giờ?

Âm dương không còn cách biệt
Âm dương không còn cách biệt

Bài toán để ngỏ

Đối với những người phải sống gần các khu nghĩa địa, có lẽ ai cũng nhận thấy sự bất tiện. Tuy nhiên, nếu nói phải chuyển ra khu vực khác cách xa nơi này thì hầu hết mọi người đều lắc đầu. Ông Nguyễn Đình Tố ở ngõ 104 Phố Viên, cạnh nghĩa trang phường Bồ Đề đưa ra “giải pháp”: “Thay vì di chuyển những hộ dân ra xa nghĩa trang, Nhà nước nên tìm biện pháp để chuyển những nghĩa trang này ra khỏi thành phố”.

Tuy nhiên “đề xuất” này gặp phải sự phản ứng gay gắt từ những người có thân nhân chôn tại các nghĩa trang trên. Quan điểm của họ là: Phải để người chết mồ yên mả đẹp. Nghĩa trang có từ trước khi các hộ dân lấn chiếm, do đó ai đã chấp nhận xây nhà lấn vào sát nghĩa địa thì phải chấp nhận “sống cùng người chết”.

Thực sự việc tồn tại các nghĩa trang trong khu dân cư đang là vấn đề đau đầu không chỉ riêng với chính quyền các phường sở tại mà còn là của toàn thành phố. Ông Nguyễn Quang Tiến - Phó Chủ tịch phường Bồ Đề dẫn chứng: “Cách đây 4 năm, khu vực sinh sống của người dân phía ngoài đê sông Hồng còn cách nghĩa trang Bồ Đề 8m.

Vậy mà đến nay khoảng cách này bị thu hẹp chỉ còn 3m. Phường Bồ Đề đã từng lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân cũng như việc mồ mả bị xâm hại nên đã nhiều lần tiến hành giải tỏa. Tuy nhiên, cứ cưỡng chế hôm trước thì hôm sau lại thấy một căn lều tạm bợ được dựng lên lấn dần về phía nghĩa trang”.

Ông Tiến lắc đầu: “Thậm chí có kẻ còn cù nhầy đến mức vào chính giữa nghĩa trang, mượn tường vài ngôi mộ để dựng nhà cấp 4, quét vôi, bày biện đồ đạc hẳn hoi. Có lẽ tới đây, nếu chưa có biện pháp xử lý các nghĩa trang đang tồn tại trên địa bàn, thành phố nên đặt ra những quy định tạm thời về xây dựng để ngăn chặn và xử lý kiên quyết những trường hợp lấn chiếm này”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Hiển - Phó Chủ tịch phường Hạ Đình cũng hy vọng: “Chúng tôi cũng đề xuất vấn đề này lên cấp trên nhiều lần, tới đây quận sẽ có chỉ đạo về việc giải quyết dứt điểm khu vực nghĩa trang trên địa bàn phường. Tuy nhiên đó chỉ là một khu vực nhỏ lẻ. Để có một giải pháp chung cho toàn thành phố, vẫn cần có sự ra tay đồng bộ từ mọi cấp, mọi ngành”.

Nguyễn Long