Bài 1: Đào tạo nghề hướng tới nhu cầu doanh nghiệp

(ANTĐ) - Theo ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, thí sinh lựa chọn dự thi vào khối Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) đang có nhiều cơ hội mở cả về chất lượng đào tạo, tìm kiếm việc làm lẫn khả năng học tập liên thông với các bậc học cao hơn. Bộ GD-ĐT đang có những chính sách tích cực nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo TCCN đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực qua đào tạo nghề ngày một tăng của xã hội.

Tuyển sinh TCCN 2008:

Bài 1: Đào tạo nghề hướng tới nhu cầu doanh nghiệp

(ANTĐ) - Theo ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, thí sinh lựa chọn dự thi vào khối Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) đang có nhiều cơ hội mở cả về chất lượng đào tạo, tìm kiếm việc làm lẫn khả năng học tập liên thông với các bậc học cao hơn. Bộ GD-ĐT đang có những chính sách tích cực nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo TCCN đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực qua đào tạo nghề ngày một tăng của xã hội.

- PV: Chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh TCCN năm nay, khối TCCN sẽ có những đổi mới gì để tăng cường sức hút đối với các thí sinh, thưa ông?

- Ông Hoàng Ngọc Vinh: Một trong những đổi mới tích cực là phải đáp ứng chủ trương của Bộ GD-ĐT về việc các trường phải chuyển hướng đào tạo theo nhu cầu trực tiếp các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các trường phải đào tạo theo các chuẩn: Chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn về phương pháp dạy học, chuẩn về cơ sở vật chất, chuẩn về đội ngũ giáo viên, chuẩn về tổ chức quản lý nhà trường để đảm bảo chất lượng nhân lực cung cấp cho xã hội.

- PV: Cụ thể đến thời điểm này, đã có bao nhiêu hợp đồng ký kết đào tạo giữa doanh nghiệp với nhà trường, thưa ông?

- Ông Hoàng Ngọc Vinh: Hiện tại đã có hơn 175 hợp đồng ký kết đào tạo của các doanh nghiệp với các trường. Nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo như hỗ trợ kinh phí cho các trường để tiếp cận với những công nghệ mới, phối hợp, tạo điều kiện cho học viên đến thực tập, bổ sung dữ liệu cho giáo trình đào tạo...

- PV: Sinh viên sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ những ký kết này như thế nào?

- Ông Hoàng Ngọc Vinh: Việc hỗ trợ của doanh nghiệp đối với nhà trường được ví như “hơi thở” của kinh tế thị trường đã vào đến giáo án của nhà trường. Và như vậy, người được hưởng lợi chắc chắn là những sinh viên khi đã chắc chắn về đầu ra.

Ví dụ: Tập đoàn Hồng Hải của Đài Loan đã đầu tư 5 triệu USD cho trường ĐH Công nghiệp HN để đào tạo nhân lực cho chính doanh nghiệp.

Hàng trăm doanh nghiệp khác đã có chương trình hỗ trợ cho các trường TCCN, CĐ, ĐH để nâng cao chất lượng đào tạo với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng như Campal hỗ trợ 500.000 USD cho CĐ Công nghiệp Phúc Yên để áp dụng việc thực hành cho sinh viên trên dây chuyền lắp ráp máy tính của hãng.

Học nghề - một hướng đi phù hợp với nhiều thí sinh
Học nghề - một hướng đi phù hợp với nhiều thí sinh

- PV: Nhu cầu doanh nghiệp còn rất lớn nhưng liệu hệ thống đào tạo TCCN có đáp ứng được hay không khi mà chất lượng đào tạo đại học cũng còn nhiều điều đáng phàn nàn?

- Ông Hoàng Ngọc Vinh: Đánh giá về nguồn nhân lực hiện nay cho thấy tình trạng thiếu lao động qua đào tạo nghề rất nghiêm trọng. Thủ tướng yêu cầu đáp ứng chỉ tiêu đào tạo nghề là 50% lao động trong độ tuổi nhưng hệ thống các trường đào tạo nghề mới chỉ đáp ứng được khoảng 30%.

Thực tế, doanh nghiệp cũng muốn trực tiếp đặt hàng nhưng nhiều trường không đáp ứng được do không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo không theo kịp yêu cầu đổi mới...

Bộ GD-ĐT cũng đã nhìn thấy những khó khăn này vì vậy, ngoài việc các trường phải tự thay đổi để đáp ứng nhu cầu thị trường, Bộ cũng sẽ đưa TCCN vào chương trình mục tiêu quốc gia để tăng cường kinh phí đầu tư cho các trường.

Vinh Hương (Thực hiện)

Bài 2: Cơ chế mở và cơ hội nâng cao bậc học