Kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2020)

Bác sỹ thời chống dịch, diệt "giặc" Covid-19

ANTD.VN - 13h45… vừa úp vội bát mì ăn liền, bác sỹ Trần Ngọc Anh nhận được cuộc gọi vào đường dây nóng. Đầu dây bên kia là một đồng nghiệp công tác tại Bệnh viện Hòe Nhai khẩn cấp nhờ tư vấn về trường hợp nghi nhiễm virus Covid-19. Tạm gác bữa trưa muộn, người bác sỹ trẻ say sưa trao đổi với đồng nghiệp và bệnh nhân. Cuộc điện kết thúc cũng là lúc bát mì đã nguội ngắt.

Từ ngoài nhìn vào, khu cách ly bệnh nhân nghi nghiễm Covid-19 thuộc Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa Đống Đa (Hà Nội) khá yên ắng, lạnh lẽo. Nhưng chỉ vài bước chân qua tấm biển cách ly là không khí ấm áp của những cuộc trò chuyện, những ánh mắt nụ vui vẻ giữa y bác sỹ với bệnh nhân - những người vốn đang rất cần sự chia sẻ, động viên.

Bác sỹ thời chống dịch, diệt "giặc" Covid-19 ảnh 1Bác sỹ Trần Ngọc Anh thăm khám, động viên một bệnh nhân đang điều trị tại khu cách ly (Ảnh nhân vật cung cấp)

Bác sỹ truyền nhiễm kiêm… bác sỹ tâm lý

Cùng thời điểm thành lập khu cách ly bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 (ngày  1-2), Bệnh viện đa khoa Đống Đa thiết lập riêng một đường dây nóng để tiếp nhận, giải đáp thông tin cho các trường hợp nghi nhiễm khác cần tư vấn.

Bác sỹ 9X Trần Ngọc Anh được tin tưởng giao đảm nhận nhiệm vụ này. Trong hơn 20 ngày qua, đường dây nóng đã nhận hàng trăm cuộc điện thoại từ các bệnh viện tuyến dưới và người dân gọi tới, đồng thời cũng tiếp nhận 55 trường hợp do các cơ sở y tế khác chuyển đến, trong đó có 24 trường hợp phải ở lại theo dõi (số liệu đến hết ngày 20-2).

“Hầu hết ca nào vào viện khám đều có tâm lý lo lắng, họ hoang mang không chỉ bởi sự nguy hiểm của bệnh dịch mà còn lo ngại sự xa lánh, kì thị từ những người xung quanh. Khi ấy, ngoài những tư vấn chuyên môn, chúng tôi còn phải vào cả vai bác sỹ tâm lý, động viên để giúp bệnh nhân ổn định tinh thần, phân tích tiền sử dịch tễ để họ yên tâm điều trị đúng lộ trình”, bác sỹ Ngọc Anh chia sẻ.

Trong gần 60 trường hợp tới thăm khám, bác sỹ Trần Ngọc Anh nhớ nhất một nữ bệnh nhân ngoài 40 tuổi nghi nhiễm Covid-19 được xe cấp cứu 115 chuyển tới, tư trang bà mang theo đều in chữ Trung Quốc. Song, qua sơ khám và hội chẩn, các bác sỹ loại bỏ khả năng nhiễm Covid-19 vì không có tiền sử dịch tễ, nghi ngờ bị viêm ruột thừa. Tình trạng bệnh nhân có xu hướng chuyển nặng hơn, huyết áp tụt, cần phải sớm thực hiện các bước kiểm tra chuyên sâu để xác định chính xác bệnh cũng như hướng điều trị. Tuy nhiên bệnh nhân lại một mực không hợp tác, viện lý do “không có tiền” và đòi về nhà.

“Khi đó mình thuyết phục rằng, chị cứ yên tâm đi chụp chiếu, mọi thứ còn lại không phải lo, em đã đăng ký khám và đóng tiền cả rồi. Sau đó mình mời cả bảo vệ vào mà bệnh nhân vẫn nhất quyết không chịu. Sau khi tìm đủ mọi cách không thành, may mắn mình xin được số đồng chí công an khu vực và nhờ anh ấy lên viện, bấy giờ bệnh nhân mới chịu khám. Kết quả sau đó đúng là bệnh nhân bị viêm ruột thừa và được xử lý kịp thời”, bác sỹ Trần Ngọc Anh nhớ lại.

Bác sỹ thời chống dịch, diệt "giặc" Covid-19 ảnh 2Không chỉ tư vấn về chuyên môn, những bác sỹ như Trần Ngọc Anh còn giúp ổn định tâm lý cho bệnh nhân trước mối lo nhiễm Covid-19

Thèm được ôm con vào lòng

Tranh thủ quãng giờ nghỉ ít ỏi, bác sỹ Trần Ngọc Anh lấy điện thoại ra ngắm hình 2 cậu con trai kháu khỉnh. Anh kể, từ Tết đến giờ chỉ được nhìn con qua điện thoại, thèm lắm cái cảm giác được ôm con thơ vào lòng sau bao ngày xa cách. Nhưng, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, bệnh viện, bệnh nhân cần anh cùng các đồng nghiệp, vì vậy những mong ước riêng tư đành gác lại.

“Dịch bệnh nào rồi cũng sẽ được khống chế. SARS, H5N1, sởi, sốt xuất huyết hay Covid-19 lần này cũng vậy thôi”, thấy bác sỹ Trần Ngọc Anh nói với ánh mắt đầy lạc quan, tôi hỏi anh: “Vậy khi hết dịch, việc đầu tiên anh sẽ làm là gì?”. Anh đáp: “Ôm con vào lòng, thơm lên má rồi cả nhà cùng đi chơi một buổi”.

Không riêng các bệnh nhân mà cán bộ, y bác sỹ Khoa Truyền nhiễm thực hiện nhiệm vụ chống dịch Covid-19 đôi khi cũng phải chịu những ánh mắt dè dặt, xa lánh từ hàng xóm láng giềng. Thế nhưng điều đó chưa khổ tâm bằng việc họ phải tự cách ly mình với vợ con, người thân để tránh nguy cơ lây nhiễm.

Với bác sỹ Trần Ngọc Anh, ngay khi quyết định nhận nhiệm vụ cấp trên giao phó tại khu cách ly bệnh nhân, anh đã phải gửi 2 con thơ về cho ông bà ngoại ở Nam Định chăm nom giúp, đồng thời tiến hành “công tác tư tưởng” cho vợ. Biết chồng hàng ngày tiếp xúc với mầm dịch, nguy hiểm chực chờ, song vì thấu hiểu niềm đam mê nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm của chồng mà cả gia đình luôn tìm cách động viên, chia sẻ để anh yên tâm công tác.

“Tôi xác định nếu không may có bệnh nhân nào đó dương tính với Covid-19 thì bác sỹ cũng sẽ ở lại bệnh viện luôn. Thế nên ngay khi khi nhận nhiệm vụ, mình đã mang theo vali quần áo, đồ dùng cá nhân, sẵn sàng ăn, ngủ cùng dịch cho tới khi mọi việc được kiểm soát hoàn toàn”, bác sỹ Trần Ngọc Anh nói.

Bác sỹ thời chống dịch, diệt "giặc" Covid-19 ảnh 3Bác sỹ 9X tạm gác bữa trưa muộn để tư vấn cho một trường hợp nghi nhiễm Covid-19 gọi đến đường dây nóng

Sinh năm 1990, sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y, bác sỹ Trần Ngọc Anh xin về Bệnh viện đa khoa Đống Đa - một trong những bệnh viện hàng đầu của Hà Nội về phòng chống các bệnh truyền nhiễm, bởi muốn được làm mảng việc yêu thích từ thời còn là sinh viên. Sau 5 năm công tác, thăm khám, tư vấn cho hàng nghìn lượt bệnh nhân, bác sỹ Trần Ngọc Anh có rất nhiều kỷ niệm.

“Tết vừa rồi có bác bệnh nhân từng được tôi thăm khám đã đến tận bệnh viện tìm gặp để biếu quả bưởi và 2 cái bánh chưng. Có chị bệnh nhân khác thì gửi cho con gà để ăn Tết. Đón nhận những tình cảm đó khiến tôi vừa vui, vừa cảm động và cảm thấy có động lực hơn với nghề mình đã chọn”, bác sỹ Trần Ngọc Anh bộc bạch.

“Tôi xác định nếu không may có bệnh nhân nào đó dương tính với Covid-19 thì bác sỹ cũng sẽ ở lại bệnh viện luôn. Thế nên ngay khi khi nhận nhiệm vụ, mình đã mang theo vali quần áo, đồ dùng cá nhân, sẵn sàng ăn, ngủ cùng dịch cho tới khi mọi việc được kiểm soát hoàn toàn. Tết vừa rồi có bác bệnh nhân từng được tôi thăm khám đã đến tận bệnh viện tìm gặp để biếu quả bưởi và 2 cái bánh chưng. Có chị bệnh nhân khác thì gửi cho con gà để ăn Tết. Đón nhận những tình cảm đó khiến tôi vừa vui, vừa cảm động và cảm thấy có động lực hơn với nghề mình đã chọn”.

Bác sỹ Trần Ngọc Anh - Bệnh viện đa khoa Đống Đa

Chúng tôi đều đã sẵn sàng “chiến đấu” cho tới khi hết dịch

Bác sỹ thời chống dịch, diệt "giặc" Covid-19 ảnh 4

Bệnh viện đa khoa Đống Đa là đơn vị chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm của Hà Nội đã tham gia phòng chống rất nhiều dịch bệnh như: viêm gan B, dịch tả, tay chân miệng, SARS, cúm gia cầm, Covid-19… nên các y bác sỹ đã hình thành tâm thế sẵn sàng là những người tiên phong mỗi khi có dịch. Với dịch Covid-19, bệnh viện đã thành lập khu cách ly với phương châm “phát hiện sớm, cách ly tốt, điều trị hiệu quả”.

Bên cạnh các phương án chuyên môn, lãnh đạo bệnh viện chú trọng làm công tác tư tưởng cho cán bộ nhân viên trực tiếp tham gia phòng chống dịch như: tạo điều kiện tối đa về trang thiết bị, giải quyết các chế độ quyền lợi đầy đủ, kịp thời.

Những chế độ phụ cấp chống dịch sẽ được tính cho tất cả anh em tham gia trực tiếp, chế độ tiền thưởng tính ở mức cao nhất, công đoàn ngành quan tâm sát sao… Đó là nguồn động viên để anh em yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Hiện cán bộ, y bác sỹ của bệnh viện đã chủ động làm công tác tư tưởng với gia đình để sẵn sàng ở lại 24/24h phục vụ công tác điều trị cho tới khi hết dịch.

Tiến sỹ Phạm Bá Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa